Nếu không chuẩn bị tốt về sức khỏe và tài chính thì liệu cha mẹ có đảm bảo những đứa con ấy được ra đời trong điều kiện an toàn nhất và được chăm sóc tốt nhất?
Hưng và Hòa (Quận 7) cưới nhau khi cả hai vẫn đang chịu cảnh sống nhà trọ. Cả hai đều có việc làm nhưng tiền lương thì chỉ đủ để lo cho cuộc sống đạm bạc của hai vợ chồng và trả tiền nhà trọ hàng tháng. Thế nhưng chỉ cưới nhau về 2 tháng thì Hòa phát hiện mình có thai, và bao trận cãi vã nảy sinh từ đây. Sau khi sinh con, vì không người chăm sóc con nên Hòa phải nghỉ làm, lương của chồng thì không đủ chi tiêu cho cả nhà nên tháng nào cũng thiếu trước hụt sau, nhất là lúc con đau ốm. Lúc này họ cảm thấy hối hận vì đã không lên kế hoạch trước cho việc sinh con.
Mới kết hôn được 3 tháng, hai vợ chồng chị Thoa (Quận Bình Tân) cũng lên kế hoạch một thời gian trước khi sinh con. Được sự mách nước của bạn bè, chị đến viện Pasteur để chích ngừa rubella vì nghe nói nếu trong thời gian có thai mà người mẹ bị rubella thì có thể bị sẩy thai, đẻ non hay đứa con ra đời có thể bị rubella bẩm sinh.
Sau khi chích ngừa, chị được bác sĩ khuyến cáo 3 tháng sau mới nên có con. Nhưng biện pháp tránh thai tự nhiên của chị đã không đạt hiệu quả, chỉ một tháng sau chị phát hiện mình có thai. Đi khám thì bác sĩ khuyên nên bỏ thai vì có nguy cơ thai nhi sẽ bị di chứng bẩm sinh. Chị bị suy sụp tinh thần một khoảng thời gian sau đó.
Thực tế có không ít cặp mới cưới nhau về chưa chuẩn bị về tinh thần và tài chính thì đã “lỡ” mang thai ngoài dự tính. Trong khi đó, có con vào thời điểm nào là do bản thân những cặp vợ chồng có thể tự chủ và quyết định nhằm đảm bảo sức khỏe và cuộc sống tương lai cho đứa con của mình. Một người bố và một người mẹ khỏe mạnh thì khả năng sinh ra những đứa con khỏe mạnh là rất cao. Và nếu đứa con ấy lại được chăm sóc kỹ lưỡng về mặt vật chất và tinh thần thì hẳn sẽ được phát triển tốt nhất.
Vậy nên chọn thời điểm nào để sinh con? Nhiều người đã có con chia sẻ rằng muốn có con, hãy chuẩn bị những điều sau:
– Chuẩn bị sức khỏe thật tốt cho cả vợ và chồng trước khi muốn có con. Khi bị bệnh hoặc hoặc cơ thể yếu, sinh hoạt ăn uống thất thường không nên có thai, thời điểm này dễ ảnh hưởng đến chất lượng trứng và tinh trùng, đôi khi dẫn đến trường hợp đẻ non hoặc con đẻ ra có sức đề kháng kém. Nên đi khám sức khỏe cho cả hai vợ chồng để được bác sĩ tư vấn sinh con. Vì nhiều trường hợp không biết mình mắc những bệnh cần được điều trị sớm hoặc không nên có con như: HIV, lao phổi…
– Chuẩn bị về mặt tài chính: nhiều người vẫn còn quan niệm “trời sinh voi trời sinh cỏ” hay “của cải còn làm ra được chứ con cái nhiều khi muốn cũng khó làm ra” nên họ thường tranh thủ đẻ sớm lúc nào tốt lúc ấy. Nhưng nếu không có sự chuẩn bị tốt về tài chính thì con cái khó có thể sống trong điều kiện vật chất đầy đủ, hoặc khi ốm đau bệnh tật không được chăm sóc kỹ.
– Trước khi mang thai, nên chích ngừa một số bệnh như: sởi, cúm, rubella, viêm gan B, quai bị… vì nếu trong thời điểm mang thai mà bị những chứng bệnh này có để để lại những di chứng bẩm sinh, hoặc gây đẻ non.
Cũng theo Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà – Trưởng khoa Sản Bệnh viện ĐH Y Dược Tp.HCM: “Muốn có thai thì cả bố lẫn mẹ cần chuẩn bị sức khỏe thật tốt, không nên có thai lúc bị bệnh hoặc cơ thể không được khỏe. Nên chích ngừa một số bệnh nguy hiểm trước khi có thai, sau khi chích ngừa cũng không nên có con liền.
Tuy nhiên, không phải loại vắc xin ngừa nào cũng phải kiêng cữ một thời gian trước khi có thai. Do vậy, khi muốn chích ngừa trước khi mang thai hay trong quá trình mang thai thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể”.