Một cô gái đã sống suốt 17 năm trong hình hài và cách xử sự của một đứa trẻ 6 tháng tuổi mặc cho những đứa em của cô đã lớn khôn và bắt đầu trở thành các thiếu nữ. Brooke Greenberg là trường hợp duy nhất và kỳ lạ nhất trên thế giới từ trước đến nay về một ví dụ cho hiện tượng trẻ mãi không già mà các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu.
17 năm làm em bé
Cô gái kỳ lạ này có tên Brooke Greenberg là con gái của ông bà Howard và Melanie Greenberg sống tại bang Frorida – Mỹ. Cô đã trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học nước này trong nhiều năm bởi một hiện tượng đặc biệt nhất mà khoa học từng phát hiện, đó là: Trong suốt 17 năm, kể từ khi chào đời, cho tới nay, Brooke vẫn ở trong hình hài của một đứa trẻ vừa mới biết bò. Không những vậy, bé Brooke (17 tuổi) còn có các hoạt động và cách xử sự không khác gì so với một em bé đang chập chững học bò. Để chăm sóc cô con gái nhỏ, ông bà Greenberg trong suốt 17 năm liền, hàng ngày đều phải thay tã, pha sữa và ru ngủ cho cô bé trong khi đó, các em của Brooke đều đã trưởng thành. Quá trình theo dõi sự trưởng thành của Brooke, mọi người trong gia đình cô đều rất kinh ngạc khi thấy rằng 17 năm qua, Brooke vẫn không hề có sự thay đổi hay chuyển biến gì về mặt thể chất cũng như trí tuệ hoặc quá trình này chỉ diễn ra vô cùng chậm. Thậm chí, đến cả răng sữa cũng vẫn chưa mọc hết.
Đi tìm lời giải cho hiện tượng kỳ lạ
Đi tìm lời giải cho sự trẻ mãi không già của Brooke Greenberg, các nhà khoa học thuộc trường đại học Nam Florida – Mỹ đã đưa ra nhiều giả thuyết, trong đó đặc biệt đề cập tới sự góp mặt của nguyên nhân là DNA của cô bé đã bị đột biến.
Để làm rõ sự tác động của DNA đến hiện tượng trẻ mãi không già của Brooke, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành xét nghiệm DNA và so sánh hệ gen của Brooke với các gen cùng phiên bản trên một người trưởng thành bình thường mà chúng ta có thể tìm thấy. Từ đó rút ra kết luận chính xác cái gì đang kiểm soát và gây ra hiện tượng kỳ lạ này.
Và những triển vọng ứng dụng trong y học để chống lại sự lão hoá
Đã có khá nhiều nghiên cứu tương tự được tiến hành trên động vật bởi Hiệp hội các nhà khoa học Hoàng gia London – Anh nhằm xác định quá trình biến đổi gen dẫn tới hiện tượng “đóng băng” tiến trình lão hoá của các loài động vật. Trong đó phải kể tới thí nghiệm trên loài giun có tên gọi C elegans (có vòng đời trung bình là 2 tuần). Giới nghiên cứu khẳng định rằng bằng cách tác động vào từng gen đơn lẻ trên từng cá thể để xác định xem đâu là gen kiểm soát tuổi thọ của chúng. Kết quả thử nghiệm cho thấy: khi tác động làm biến đổi đúng loại gen này, vòng đời của con giun đã tăng lên gấp nhiều lần so với bình thường (cá thể sống tới 10 tuần sau đó).
Thử nghiệm trên loài chuột, sự tác động này cũng mang lại kết quả tương tự.
Thử nghiệm chưa được tiến hành trên con người, song kết quả một cuộc điều tra và tổng hợp dữ liệu của các nhà khoa học thuộc trường đại học Leiden – Hà Lan đối với trên 30.500 người (với khoảng 500 người có tiền sử gia đình sống lâu) đã giúp tìm ra bí ẩn mối liên quan giữa yếu tố gen khiến tuổi thọ được kéo dài, và ngăn chặn quá trình lão hoá. Ở 500 người có tuổi thọ cao này, có các đặc điểm nổi bật chẳng hạn như: da của họ có dấu hiệu ít lão hoá và đẹp hơn da những người khác cùng độ tuổi. Họ có tỉ lệ mắc bệnh tật ngay cả khi về già rất thấp, nguy cơ mắc các bệnh: tiểu đường, tim, cao huyết áp và suy giảm trí nhớ… thấp hơn nhiều so với người khác.
Song đặc biệt hơn cả là nghiên cứu phát hiện ở họ có một số gen chung mà những người khác không có. Đây chính là các gen kiểm soát quá trình lão hoá và ngăn chặn sự già đi ở người có mang gen.
Trong trường hợp của Brooke, các nhà khoa học phát hiện thấy cô bé có tình trạng sức khoẻ rất tốt. Các nhà khoa học cũng lý giải việc Brooke bị ngừng lớn lên sau một quá trình đã phát triển từ đứa bé sơ sinh đến mức một bé gái 6 tháng tuổi có thể là do sự đột biến gen đã xảy ra ngay vào thời điểm này, dẫn tới kết quả là quá trình lớn lên của cô bé gần như bị “đóng băng” trong suốt 17 năm qua. Giả thuyết này đã mở ra một hướng nghiên cứu mới cho giới khoa học trong việc làm chậm và ngăn chặn sự lão hoá ở con người. Giáo sư Walker – người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho rằng, bí ẩn của hiện tượng nằm ở yếu tố gen, và vấn đề là làm sao để kiểm soát được các gen quy định sự lão hoá, tác động vào chúng đúng thời điểm cần thiết để “đóng băng” quá trình lão hoá diễn ra.