Đón con từ trường về, anh Tuấn (Từ Liêm, Hà Nội) nhận thấy mặt con có vết bầm xước. Gặng hỏi cậu ấm lúng búng “con bị bạn đánh”. Không hỏi lý do, anh Tuấn lớn tiếng “mai đến, bố cho con đấm thẳng vào mặt nó!”
Chuyện nghe như đùa. Không hiểu lúc đó, cậu ấm lên 6 tuổi nhà anh Tuấn nghĩ và sẽ làm thế nào? Nhưng với cách dạy con như vậy vô hình chung đã găm vào đầu con trẻ những dấu ấn ban đầu không tốt. Thậm chí tiềm ẩn sự trả thù không đáng?
Cách dạy con của anh Tuấn không phải là cá biệt, một số phụ huynh có con độ tuổi từ 3-6 tuổi đến lớp cũng chọn cách xử như vậy. Luồng ý kiến khác thì chọn cách trò chuyện với con để tìm nguyên nhân để có phân tích đúng – sai, sau đó đưa lời khuyên…
Chị Hương, đang công tác tại một Công ty truyền thông ở Hà Nội cũng chọn cách xử lý giống như anh Tuấn. Không chỉ con đầu, mà đến cậu ấm thứ hai bắt đầu đi học là chị dạy: đến lớp bạn nào bắt nạt con thì con nắm chặt bàn tay phải lại và đấm thẳng vào mặt bạn để lần sau bạn không đánh con nữa. Phải làm thế vì con chị hiền, hay bị bạn bắt nạt nên thưa cô nhiều thì mệt.
Thực tế, giáo viên không thể kè kè suốt thời gian trên lớp để ngăn những xung đột từ phía học sinh – chị Hương nói.
Còn chị Thanh Tâm (Sài Gòn) chọn cách dò hỏi xem lý do sao con bị bạn đánh và thường khuyên “bạn đánh con thì con không được đánh lại mà phải thưa cô để cô la bạn”. Khuyên như thế, nhưng với đứa đầu thì cháu còn nghe và mỗi lần bị bạn đánh là ngồi khóc. Đứa thứ hai thì cục hơn, bạn đánh thì nó đánh lại.
Đó cũng là phương pháp chị Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) chọn khi con gái đến tuổi đến trường. Chị Thanh dạy con, đến lớp nếu bạn có tranh đồ chơi thì con nhường bạn hoặc bị bạn đánh thì thưa cô. Nếu cô bận không chưa có ý kiến để cháu an lòng là “đã có người lớn can thiệp” thì hôm sau đưa con đến lớp sẽ có ý kiến với cô và bạn đó. Cách này, để cháu hòa đồng với các bạn và thích đến lớp hơn.
Nếu con bạn đi học bị bạn đánh thì bạn có chọn cách khuyên con “trả đòn” ngay như cách anh Tuấn, chị Hương?