Dư luận hẳn chưa quên vụ bà Nguyễn Thị Nga mở cơ sở may gia công (tại quận Tân Bình, TPHCM) bắt 4 trẻ em làm việc từ 12 – 17 giờ mỗi ngày và đánh đập các em tàn nhẫn. Sau đó, bà Nga đã bị TAND quận Tân Bình tuyên phạt 30 tháng tù về tội hành hạ người khác. Những tưởng, đây là bài học cảnh tỉnh cho giới chủ đang bóc lột sức lao động trẻ em, thế nhưng, tình trạng bóc lột lao động trẻ em vẫn diễn ra thường xuyên trong khi cơ quan chức năng đang loay hoay tìm giải pháp.
Đủ kiểu bóc lột
Trong vai một người đi gom hàng gia công, chúng tôi tìm đến một chủ cơ sở may gia công trong hẻm nhỏ trên đường Nhất Chi Mai (quận Tân Bình). Căn phòng nhỏ khoảng 20m², được kê 6 chiếc máy may và 1 máy vắt sổ cùng với một đống nguyên phụ liệu may mặc và hàng đã thành phẩm. Ngoài cô chủ ngồi kiểm hàng thành phẩm thì các công nhân làm việc tại đây toàn là trẻ em.
Các em nhỏ này phải lao động từ 12 – 14 giờ mỗi ngày.
Trong lúc cô chủ đang đi liên hệ thêm nguồn hàng, tôi bắt chuyện với một bé đang ngồi vắt sổ bên cạnh. Em cho biết tên là T., quê ở Thanh Hóa, năm nay 14 tuổi học đến lớp 8 thì nghỉ và được người quen đưa vào đây làm gần 1 năm nay. “Làm ở đây, bà chủ bao ăn, ngủ tại chỗ, lương năm đầu được 5 triệu đồng và gửi thẳng về quê cho cha mẹ em. Năm nay nhiều hàng hơn nên bà chủ nói sẽ tăng thêm cho mỗi người 2 triệu đồng/năm nhưng việc nhiều, làm từ sáng đến đêm không xuể, cực lắm. Sáng sớm, dậy từ 6 giờ để soạn hàng, sau đó ăn sáng, thường là xôi hoặc cơm. Trưa được nghỉ ăn cơm 30 phút, chiều được nghỉ 1 tiếng rưỡi để thay phiên nhau tắm giặt, sau đó là làm việc đến 10 giờ đêm. Hôm nào hàng nhiều thì có thể làm khuya hơn”, T. cho biết.
Trường hợp của Q., hiện đang phụ bán mì gõ ở ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân) cũng vất vả không kém. Buổi sáng nhặt rau, phụ việc nhà. Từ buổi trưa em phụ nấu nướng, chuẩn bị chén đũa. Xế chiều, bắt đầu cầm mõ tre rong ruổi đến 1-2 giờ sáng. “Mua giùm cháu một tô đi, nếu hôm nay không bán hết 60 tô là bị trừ tiền công và bị đánh đấy!”, Q. năn nỉ. Năm nay Q. được 15 tuổi, bỏ quê lên Sài Gòn đã được 2 năm. Chủ quán là người cùng quê nên toàn bộ lương của Q. được chủ gửi về quê cho bố mẹ.
Còn M. hiện đang làm cho một đại lý bán vé số trên đường Trần Văn Đang (quận 3). M. cho biết, hàng ngày nhận vé số từ ông chủ và mỗi người bán được phân theo khu vực. Ông chủ M. nuôi 20 người chủ yếu là người già và trẻ em để đi bán vé số. Ngoài ăn uống hàng ngày, ông chủ dành phần gác gỗ trong căn nhà cho thuê để cho mọi người ngủ. “Bán vé số cũng không cực lắm nhưng sợ nhất là bị “đàn anh” đánh vì cho rằng giành giật địa bàn và bị giật mất vé số”, M. cho hay.
Mới chỉ xử lý hành chính
Hiện nay, lao động trẻ em phải làm việc từ 12-14 giờ/ngày, thậm chí 16 giờ/ngày trong điều kiện lao động khắc nghiệt. Đã có nhiều trẻ em bị vắt kiệt sức lao động, bị hành hạ phải bỏ trốn hoặc được hàng xóm phát hiện báo cơ quan chức năng. Hầu hết các em đều đến từ các tỉnh, thành khác thông qua đường môi giới hoặc cha mẹ gửi gắm. Gần như 100% lao động trẻ em không được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội. Đa số lao động trẻ em không được nhận lương trực tiếp hàng tháng và thường thì cha mẹ đã “nhận thay” 1 năm/lần (từ 3-6 triệu đồng/năm).
Mới đây, khi kiểm tra cơ sở may gia công của ông Vũ Huy Chiến ở khu phố 4, phường Bình Hưng Hòa (Bình Tân), cơ quan chức năng phát hiện nhiều hành vi vi phạm, như: không đăng ký kinh doanh, không ký hợp đồng lao động, buộc lao động trẻ em làm 15 giờ/ngày. Do bị ép làm quá sức, lại bị chủ đánh đập nên các em đã bỏ trốn và được người quen đưa đi tố cáo. Hiện vụ việc đang được điều tra, xử lý.
Pháp luật về lao động cho phép người vị thành niên (đủ 15 tuổi) được phép làm việc nhưng không được quá 7 giờ/ngày. Việc sử dụng trẻ em dưới 15 tuổi hay sử dụng lao động là người vị thành niên làm việc quá 7 giờ/ngày, không ký hợp đồng lao động là vi phạm pháp luật.
Ông Hoàng Công Hợp, Phó phòng LĐTB-XH quận Bình Tân thừa nhận, trên địa bàn quận có hàng trăm cơ sở may gia công và các cơ sở này thường lôi kéo lao động từ quê vào và trả lương thấp, bóc lột sức lao động trẻ em. Lực lượng cán bộ làm công tác này rất mỏng, hơn nữa, khi đi kiểm tra các cơ sở có lao động trẻ em thì hầu hết các chủ cơ sở đều khẳng định đó là con cháu trong nhà lên chơi phụ giúp. Thậm chí, trước khi thanh tra đi, các cơ sở đều được báo trước, vì vậy chủ cơ sở thường cho các em ra ngoài chơi hoặc đưa ra những giấy tờ chứng minh được sự chấp thuận của cha mẹ cho các em lên học việc để đối phó. Hiện nay, do chưa có quy định bắt buộc trẻ em phải đăng ký tạm trú nên cũng rất khó xử lý. Do các cơ sở sản xuất sử dụng lao động trẻ em hầu hết không đăng ký kinh doanh, thuê mướn mặt bằng nên rất khó quản lý. Nếu đóng cửa, họ sẽ lại sang nơi khác thuê mặt bằng mới để làm việc. Ngoài ra, mức phạt cao nhất đối với cơ sở vi phạm không quá 3 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe.
Lãnh đạo Sở LĐTB-XH TPHCM cũng thừa nhận thực tế là khó xử lý các cơ sở vi phạm trong việc sử dụng lao động trẻ em vì đã có sự thỏa thuận, bảo lãnh giữa cha mẹ ruột của các em với chủ cơ sở. Hơn nữa, đối với những hành vi vi phạm nói trên, pháp luật hiện chỉ quy định xử phạt hành chính nhưng mức xử phạt chẳng đáng là bao so với lợi nhuận thu về của các cơ sở.
Đối với các hành vi chăn dắt, hành hạ trẻ em ăn xin, dù các ngành chức năng phát hiện nhiều trường hợp nhưng đến nay vẫn chưa có vụ nào được xử lý thích đáng. Dù rất bức xúc nhưng cũng rất khó xử lý bọn chăn dắt, vì các đối tượng thực hiện hành vi chăn dắt không đánh đập các em, hoặc có đánh đập nhưng tỷ lệ thương tật chưa đến mức xử lý hình sự. Đó là chưa nói đến các quy định pháp luật liên quan đến lao động trẻ em cũng chưa thống nhất về độ tuổi lao động. Cụ thể, Luật Lao động quy định trẻ từ 15 tuổi trở lên được lao động, nhưng Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em lại quy định trẻ 16 tuổi trở xuống vẫn là trẻ em và cần được bảo vệ và chăm sóc