Thiếu sân chơi, trẻ em thường phải đến các nhà văn hóa cộng đồng – vốn là điểm sinh hoạt chung dành cho mọi đối tượng dân cư.
“Quy hoạch khu đô thị ban đầu có khu vui chơi, giải trí cho trẻ em nhưng sau đó thường bị điều chỉnh, chuyển thành đất xây nhà” – Là giải trình của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương tại phiên điều trần về thiếu khu vui chơi cho trẻ em vừa được Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Thanh thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội tổ chức.
Không còn đất xây khu vui chơi cho trẻ em?
Theo Chủ nhiệm Ủy ban VH-GDTTN&NĐ Đào Trọng Thi, hiện nay, trong thiết kế xây dựng các thiết chế văn hóa, trường học, trung tâm văn hóa- thể thao… nhiều nơi chưa tính đến việc dành khu vực riêng để xây dựng các hạng mục, công trình phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em. Rất hiếm tỉnh, TP quy định tỷ trọng ngân sách hàng năm đầu tư cho việc xây dựng, quản lý, sử dụng các khu vui chơi cho trẻ em.
Nhiều trẻ em đá bóng trên vỉa hè vì thiếu điểm vui chơi
Báo cáo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cả nước hiện mới chỉ có 249 nhà thiếu nhi cấp huyện nhưng thực tiễn nhiều “nhà thiếu nhi” chỉ có tên mà không còn cơ sở. Hoặc có cơ sở nhưng trang thiết bị đã hư hỏng nhiều; thậm chí, có địa phương chỉ còn khoảng 30% số cơ sở văn hóa đã đầu tư hiện còn sử dụng được. Đáng chú ý, tại nhiều địa phương, vùng miền, kể cả khu vực thành thị, quỹ đất dùng để bố trí xây dựng khu vui chơi cho trẻ em hiện không còn.
Thiếu sân chơi, trẻ em thường phải đến các nhà văn hóa cộng đồng – vốn là điểm sinh hoạt chung dành cho mọi đối tượng dân cư. Thậm chí, vui chơi ở các vỉa hè, lòng lề đường – nơi mà nguy hiểm luôn rình rập, chờ chực. Chưa kể, nhiều trẻ em chọn các trò game online đầy tính bạo lực, kích động để giải trí…
“Dài cổ” chờ các Bộ “để ý”!
Theo Chủ nhiệm Đào Trọng Thi mặc dù từ năm 2000, Thủ tướng đã giao Bộ Văn hóa-Thể thao& Du lịch “chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và UBND các cấp xây dựng quy hoạch tổng thể và chính sách hỗ trợ, phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em”. Tuy nhiên, đến tháng 8-2010, tức đã 10 năm sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ này vẫn chưa chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan triển khai thực hiện.
Cùng với sự tắc trách của Bộ VH-TT&DL, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng trễ nải trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dành quỹ đất để xây dựng khu vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Giải trình về sự chậm trễ của mình, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng, do Bộ có quá nhiều việc mà “làm việc này thì quên việc khác” (?!) Còn Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái thì “đổ” tại việc “không có đầu mối”. Theo ông Ái, nhiệm vụ này trước do Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em đảm nhiệm; nhưng sau khi giải thể, sáp nhập, Ủy ban này không còn tồn tại nên quy hoạch bị “bỏ rơi”.
Tại phiên điều trần, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cũng thẳng thắn thừa nhận: “Quy hoạch khu đô thị ban đầu có khu vui chơi, giải trí cho trẻ em nhưng sau đó thường bị điều chỉnh, chuyển thành đất xây nhà”.
“Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của một số Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em còn chưa đầy đủ, toàn diện; sự chỉ đạo của Chính phủ còn thiếu sát sao, kiên quyết; một số cơ quan còn chưa nghiêm túc trong việc chấp hành sự phân công của Chính phủ”- Chủ nhiệm Ủy ban VH-GDTTN&NĐ khẳng định.
Thừa nhận những yếu kém đã được báo cáo giám sát chỉ ra, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh khẳng định, tới đây sẽ tiến hành điều tra khảo sát thực trạng các nhà văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em trên toàn quốc. Trên cơ sở đó sẽ lập quy hoạch tổng thể cấp Trung ương và tỉnh, thành về xây dựng cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em. Bộ trưởng cũng đề nghị Đoàn giám sát đề xuất với Quốc hội cho lồng ghép nội dung này vào chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hoặc giáo dục, hoặc trong chương trình nông thôn mới ở giai đoạn tới để tính tới việc bổ sung ngân sách, cơ chế cho hoạt động này.
Trong lúc đợi các bộ, ngành triển khai, trẻ em – nhất là trẻ em sinh sống tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn trong tình trạng “khát” các khu vui chơi, giải trí.