Một cuộc thảo luận để tìm ra giải pháp ngăn chặn bạo lực trẻ em vừa được Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức. Những con số được đưa ra tại đây làm nhiều người giật mình, song một biện pháp hữu hiệu để giải quyết thấu đáo thực tế này vẫn là bài toán khó.
Những con số giật mình
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, có tới 5.956 vụ bạo lực liên quan đến trẻ em trong 2 năm 2008, 2009. Bộ Công an cũng đưa ra con số, khoảng trên 100 vụ giết trẻ em, 50 vụ bắt cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý hình sự hằng năm. Nhiều trẻ em bị chính cha mẹ, người thân, những người phải có trách nhiệm bảo vệ các em đánh đập.
Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục cũng rất đáng báo động khi tăng từ 200 trường hợp năm 2005 lên 1.427 em vào năm 2008. Năm 2009, con số này là 833 em. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH, đây chỉ là số trẻ em bị xâm hại tình dục được trình báo. Thực tế còn cao hơn do công tác quản lý, nắm tình hình chưa chặt chẽ, do tâm lý mặc cảm của gia đình nạn nhân, sợ ảnh hưỏng tới tương lai của trẻ hoặc không tố giác do có sự thỏa thuận bồi thường giữa hai bên.
Tình trạng bạo lực ở ngoài trường học cũng trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội và làm bất an các bậc phụ huynh. Đáng nói là hiện tượng bạo lực của học sinh thời gian gần đây lộ tính nguy hiểm, nghiêm trọng như: học sinh đánh nhau gây thương tích, thậm chí tử vong. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ năm 2009 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra 1.598 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trong đó 7 vụ chết người. Các nhà trường đã xử ký kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh…
Đi tìm giải pháp hiệu quả
Bộ trưởng Bộ LĐ&TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em ngày càng có xu hướng khó kiểm soát. Ngoài việc nhận thức về xâm hại trẻ em của cộng đồng còn thấp, điểm yếu hiện nay là pháp luật nước ta chưa có những quy định đầy đủ, cụ thể về các hành vi và chế tài xử phạt đối tượng xâm hại trẻ em và bạo lực đối với trẻ em, nhất là xâm hại về mặt tinh thần. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, vận động giáo dục tư vấn bảo vệ trẻ em cũng chưa được đầu tư cả về nguồn lực lẫn trí tuệ.
Thực tế cũng cho thấy việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh lại chưa được các nhà trường quan tâm đúng mức. Khảo sát trên 1.000 học sinh, sinh viên thì có tới 95% các em nhận thức chưa đúng về kỹ năng sống, 77,7% chưa bao giờ được đào tạo tập huấn về vấn đề này, 76,4% rất cần được tập huấn và hầu hết lúng túng khi xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống. Nhiều giáo viên còn áp dụng các hình thức xử phạt cứng nhắc như đánh, phạt phơi nắng mà không hề biết mình đã vô tình gây nên hành vi bạo lực.
Đại tá Nguyễn Chí Việt (Bộ Công an) cho rằng: Nguyên nhân đầu tiên thuộc về các em, vì hầu hết trẻ em vi phạm pháp luật là do kém hiểu biết về pháp luật, thiếu sự tu dưỡng. Đặc biệt lứa tuổi từ 16-18, tâm sinh lý còn nông nổi, hiếu thắng và liều lĩnh, luôn phô trương sức mạnh của mình. Nhiều em đã phạm tội giết người mà không có cảm giác ghê tay. Phải đưa các em vào trường giáo dưỡng hay trại giam là biện pháp bắt buộc cuối cùng, khi không thể áp dụng các biện pháp khác. Nhưng khi các em trở về rất cần được chính quyền, gia đình, đoàn thể tiếp nhận trong tình thương thật sự.
Một biện pháp được đưa ra trong cuộc thảo luận này là: Chính phủ cần bổ sung những qui định có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho phù hợp và đảm bảo tính thực thi. Cùng với đó, các trường cần bổ sung những thiếu hụt về nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, người lớn cũng đừng thờ ơ với những hành vi bạo lực của các em và coi đó là việc của riêng nhà trường hayxã hội.