Ngày nay, các gia đình thường chỉ có một hoặc hai con. Con cái ít, điều kiện kinh tế khá hơn nên các “cô chiêu, cậu ấm” thường được cha mẹ đáp ứng mọi nhu cầu.
Không chỉ ở nhà, đến lớp trẻ cũng thường đòi hỏi bằng được đồ chơi, bánh kẹo của bạn và thường tỏ rõ thái độ cáu kỉnh, bực bội khi không được đáp ứng. Làm cách nào để hạn chế tính ích kỷ háo thắng ở trẻ?
Lời khuyên của các nhà sư phạm là bố mẹ nhiều khi phải biết từ chối những yêu sách của trẻ và tìm cách giải thích cho trẻ biết đó không phải là nhu cầu chính đáng.
Anh Đăng Minh, một phụ huynh ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ: anh thường đặt ra một “định mức” cho con. Mỗi lần đi siêu thị, anh cho con tùy nghi lựa chọn một vài món quà trong định mức nào đó. Con anh vừa vui mừng được quà, lại tự biết giới hạn trong khuôn khổ. Chị Tuyết Châu ở Q.1 (TP.HCM) cũng cho biết, chị thường dẫn con đi nhà sách mỗi tháng và đưa ra giới hạn cho con trong việc mua sách. Bé An, con gái chị tha hồ chọn lựa sách theo sở thích nhưng chỉ được mua với số lượng nhất định. Ở khâu “gút” lại này, chị Châu hướng cho con những cuốn sách nào bổ ích nên chọn…
Khi chia quà bánh hay phân công việc, nên hướng trẻ vào lối sống tập thể. Chẳng hạn, nhờ trẻ giúp xếp cái áo mưa, nhờ hai chị em cùng lau nhà, một cái bánh chia đều cho hai anh em… Sau khi trẻ làm xong, bố mẹ phải giải thích cho trẻ thấy được cái lợi của việc cùng làm, ý nghĩa của việc cùng sẻ chia một cái bánh. Bố mẹ cũng có thể lấy những ví dụ cụ thể từ báo chí, truyền hình để giáo dục trẻ về lối sống tập thể. Chị Thanh Lan, một phụ huynh có con ở tuổi mẫu giáo, thường hay đọc truyện cho con trước khi đi ngủ. Sau mỗi mẩu chuyện đề cao tính nhường nhịn, chị hay nhắc con: “Con cũng phải biết nhường nhịn anh/chị/em như cô bé trong truyện này nhé!”.
Ra sân chung cư chơi với mấy đứa trẻ khác, thấy quả bóng của bạn đẹp, bé Vinh, tám tuổi cứ nằng nặc đòi. Ôm được quả bóng, Vinh vui vẻ chạy về nhà. Thấy vậy, anh Sanh, bố Vinh bảo: “Bạn Tèo của con đang khóc, đang buồn vì bị mất bóng đấy!”. Mẹ Vinh lại nói thêm vào: “Ồ, quả bóng màu vàng không hợp với chất nam nhi của con chút nào!”, rồi cả bố mẹ Vinh cùng đặt ra giả thiết: “Nếu tự dưng có một bạn nào đó chạy vào nhà mình và lấy “siêu nhân”, món đồ chơi quý nhất của con thì con sẽ như thế nào?”. Và bố mẹ lái câu chuyện sang quả bóng. Vinh nghe xong, chẳng biết nghĩ thế nào mà lát sau cu cậu vui vẻ mang quả bóng ra sân trả cho Tèo.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, các bậc phụ huynh đừng áp đặt trẻ điều gì khi mà chúng ta chưa giải thích cho trẻ nắm được vấn đề. Trẻ sẽ nắm được vấn đề khi người lớn biết cách “nói” với chúng. Khi đã hiểu ra thì trẻ sẽ tự nhiên làm theo ý người lớn.
Ngo Thanh Cong đã bình luận
Chuyen muc Meyeucon.org Cho em hoi con em nam nay nam nay ngan 3 tuoi nhung chau hay co bieu hien lam nhung viec khong vua y chau la chau het len voi bo me va nguoi than trong gia dinh. Chuyen muc cho em loi khuyen len su su voi chau nhu the nao moi luc chau nhu vay, va moi khi chau cau dan nhu vay thuong hay quang do va vung tay co hanh dong danh nguoi khac. Chuyen muc hay cho em loi khuyen huu ie. Em xin cam on chuyen muc !
Meyeucon.org đã bình luận
Gửi bạn Công,
Mọi người lớn trong nhà hãy cùng ngồi lại xem xét hiện tượng đó xảy ra vào khoảng thời gian nào, trẻ thường ỷ thế vào người hay bênh vực trẻ khi xuất hiện tâm trạng cáu giận đó. Ví dụ, sau một trận ốm trẻ được chăm sóc chiều chuộng quá mức hoặc mọi khi bố hoặc mẹ răn dạy trẻ thì lại có người khác bao che (ông, bà chẳng hạn). Đó là nhận thức sai lầm của người lớn, 3 năm đầu đời là thời gian cực kỳ quan trọng để giáo dục tính cách của trẻ. Biểu hiện ích kỷ, “công thần”, “gia trưởng” hình thành trong giai đoạn này. Sau khi liên kết các vấn đề, phân tích tình hình tôi nghĩ gia đình phải thống nhất hành động. Giải pháp “mưa dầm thấm lâu” như bạn dành thời gian mỗi ngày kể 1 câu chuyện cho bé nghe về 1 con vật nào đó phải chơi một mình vì hay la hét với mọi người, hay ném đồ chơi nên đồ chơi bỏ đi hết… rồi gợi ý cho bé nhận xét đúng/sai, ai ngoan/chưa ngoan. Mọi người nên thống nhất có thái độ nhẹ nhàng nhưng cương quyết, không nhượng bộ trẻ. Khi trẻ cầu cứu ai đó thì người đó nên im lặng, hoặc nhắc trẻ làm theo yêu cầu của người răn dạy. Cả nhà phải tỏ thái độ ủng hộ quyết định đúng, khi trẻ yêu cầu bố mẹ giúp 1 việc nào đó hoặc muốn bố mẹ cùng chơi thì nên dịu dàng giao hẹn trước là không la hét, không ném đồ hoặc đánh mọi người, nếu không sẽ không chơi nữa. Bạn nên cho trẻ đi Mẫu giáo vào năm học tới để trẻ có khái niệm và thể hiện tính cộng đồng. Nên kiên trì, tự rút kinh nghiệm và luôn dành thời gian chơi với bé, xử sự bình đẳng, tôn trọng và ngược lại cũng đòi hỏi bé tôn trọng lễ phép
Chúc bạn thành công