Trong vòng 10 ngày, từ ngày 8 đến 18-9 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 3 trẻ em tử vong vì sốt xuất huyết. điều đáng nói, các trường hợp tử vong phần lớn trách nhiệm thuộc về người lớn.
Trẻ em liên tiếp tử vong
Một cán bộ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính đến ngày 20-9, tỉnh Khánh Hòa có thêm một trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết (SXH) là em Trương Thanh Phi (8 tuổi, ở thôn Bình Ba Đông, xã Cam Bình, thị xã Cam Ranh). Nâng số ca tử vong vì SXH thành ba trường hợp và đều là trẻ em.
Trước đó, ngày 11-9, em Lê Thị Ánh Tuyết (8 tuổi, trú thôn Tây Bắc 2, xã Đại Lãnh) tử vong do SXH độ 4. Em Tuyết vào Bệnh viện huyện Vạn Ninh trưa 10-9, đến chiều 10-9 thì chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa và ngày 11-9 bị tử vong. Đặc biệt, với trường hợp em Tuyết, Bệnh viện Vạn Ninh đã yêu cầu để em ở lại bệnh viện để điều trị, nhưng gia đình vẫn đưa em về nhà. Sau khi mượn thẻ bảo hiểm y tế của một em khác mới đưa Tuyết nhập viện. Điều này là quá trể để các bác sĩ cứu chữa. Em Tuyết tử vong sau một ngày nhập viện trở lại.
Về trường hợp đầu tiên, bác sĩ Lê Tấn Phùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Khánh Hòa), xác nhận bệnh nhân tên Nguyễn Thiện Nhân (24 tháng tuổi, ở thôn Vạn Phước, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh). Nhân vào bệnh viện huyện Vạn Ninh ngày 3-9, đến ngày 7-9 được đưa vào Bệnh viên Đa khoa Khánh Hòa, ngày 8-9 tử vong vì SXH cấp độ 4.
Tất cả các ca đều đưa vào viện trong tình trạng bệnh diễn tiến nặng do đó không cứu chữa kịp thời. Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, người dân vẫn rất chủ quan trước dịch bệnh, chưa thấy được sự nguy hiểm của dịch SXH do đó số ca nhiễm SXH trên toàn tỉnh đến nay đã hơn 4.770 ca, cao nhất miền Trung, có 4/8 huyện có số ca mắc SXH cao hơn mức trung bình hằng năm từ 2 đến 14 lần, cá biệt có huyện Khánh Sơn cao gấp 46 lần.
Một nghịch lý là, các ca tử vong do sốt xuất huyết tại Khánh Hòa đều xảy ra tại đồng bằng, nơi có nhiều điều kiện để chăm sóc, chữa trị bệnh nhân; trong lúc dịch sốt xuất huyết thường hoành hành tại các huyện miền núi như Khánh Vĩnh, Khánh Sơn. Có lẽ người dân đồng bằng đã lơ là, chủ quan?
Nguyên nhân và giải pháp
Theo điều tra của Viện Pasteur và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa, ở nhiều địa phương có dịch, người dân vẫn chưa chú ý đến việc súc rửa dụng cụ chứa nước, đồ phế thải chứa nước, khiến cho muỗi có điều kiện sinh sản. Mặt khác, việc người dân tự ý dùng thuốc khi bị nóng sốt hay khám bệnh ở ngoài luồng, bác sĩ không rõ bằng cấp, chứng chỉ… là hết sức nguy hại. Điều này có thể làm chậm trễ việc phát hiện bệnh dịch, nếu phát hiện thì cũng ở tình trạng bệnh nặng, làm giảm hiệu quả việc cứu chữa, điều trị. Ngoài ra, việc các bệnh nhân mắc SXH đang điều trị tại trạm xá, bệnh viện không chấp hành hướng dẫn của bác sĩ, trốn viện về nhà… làm nguy cơ lây lan dịch rất cao. Biện pháp phòng chống dịch hiện tại ở các địa phương chỉ dựa vào việc phun hóa chất là chính, ngành y tế Khánh Hòa đã sử dụng 1.700 lít hóa chất diệt muỗi các loại.
Ngày 20-9, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch SXH, ông Lê Xuân Thân – Phó chủ UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban – đã đề ra các yêu cầu cấp thiết cho các ngành chức năng. Theo đó, ngành y tế đề xuất các chi phí thiết bị hỗ trợ cần thiết để tích cực đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền cho các em học sinh, phát tài liệu phòng chống dịch bệnh để các em đưa về cho gia đình. Ngành truyền thông liên tục phát các bản tin hướng dẫn nhân dân phòng dịch. Ngoài ra, các địa phương thường xuyên báo cáo, tổ chức các đoàn kiểm tra về tận thôn để thúc đẩy việc phòng dịch SXH.