Ðến nay đã gần kết thúc Tháng An toàn giao thông (ATGT) với chủ đề “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng”. Ðây là một vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm.
Nhằm mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong Tháng ATGT năm nay, các ban, ngành, đoàn thể cũng như địa phương, đơn vị đều xây dựng những nội dung lồng ghép việc tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật về ATGT, đề ra nhiều biện pháp xử lý cứng rắn đối với những cá nhân vi phạm.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trung bình mỗi năm có hơn 30 nghìn người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT), trong đó hơn 10 nghìn nạn nhân là trẻ em. Phần lớn trẻ dưới 10 tuổi chết trong các vụ TNGT là do tự đi bộ qua đường hoặc người lớn chở trên xe máy; các trường hợp vị thành niên chết trong các vụ TNGT là do tự đi xe đạp hoặc xe máy. Hơn một phần ba số nạn nhân của các vụ TNGT là trẻ em, thanh thiếu niên, con số này thật đáng lo ngại.
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, trong Tháng ATGT năm nay, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được mục tiêu giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương so cùng kỳ và so tháng trước đó, song chưa phải đã hết nỗi lo trong cộng đồng và toàn xã hội. Trong đó, TNGT học đường đang gây nhức nhối đối với cộng đồng, đòi hỏi sự tăng cường phối hợp đồng bộ giữa gia đình và nhà trường. Hiện nay, vai trò giáo dục, hướng dẫn và quản lý con em sử dụng phương tiện giao thông của nhiều gia đình chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều gia đình vì nuông chiều con trẻ đã bỏ qua quy định về độ tuổi tối thiểu được điều khiển phương tiện giao thông, cho con em tự do đi mô-tô, xe máy đến trường, dễ dẫn đến các tệ nạn đua xe, đánh võng ngoài đường phố. Khi tai nạn xảy ra, gia đình đổ lỗi cho nhà trường, còn nhà trường lại nêu lý do không thể quản lý học sinh ngoài phạm vi trường học. Tháng ATGT đã được triển khai rộng khắp trong phạm vi cả nước, song khó có thể thu được hiệu quả nếu chính những người tham gia giao thông không có ý thức tự bảo vệ mình. Nguy cơ TNGT vẫn tiềm ẩn trên mỗi cung đường, đặc biệt trong giờ đến trường hoặc tan trường của học sinh mà điển hình nhất chính là tình trạng không đội mũ bảo hiểm (MBH).
Ðừng để các em phải gánh chịu hệ lụy TNGT do nhận thức chưa đầy đủ hay do những sơ suất, bất cẩn của người lớn. Tháng ATGT đã từng bước xây dựng thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật, xóa bỏ những thói quen tùy tiện dẫn tới vi phạm quy tắc giao thông, hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là đối tượng thanh niên, thiếu niên; tạo môi trường giao thông trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện. Tình trạng không đội MBH của trẻ em và học sinh, sinh viên vẫn khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những vụ TNGT đáng tiếc. Theo chúng tôi, để chủ động hạn chế TNGT, các lực lượng, đơn vị chức năng và gia đình cần siết chặt và quản lý thanh niên, thiếu niên chưa đủ tuổi đã đi mô-tô, xe máy đến trường, chấn chỉnh việc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng mô-tô, xe máy. Các trường mẫu giáo và tiểu học trong cả nước cần thường xuyên phổ biến quy định đội MBH, nhằm tạo thói quen cho học sinh đội MBH khi được các bậc phụ huynh chở đi học bằng mô-tô, xe gắn máy. Mặt khác, cần nhắc nhở đến các phụ huynh học sinh gương mẫu thực hiện quy định này. Những vùng lũ lụt như đồng bằng sông Cửu Long hoặc miền núi, trẻ em phải đi học bằng đò ngang qua sông, suối, nhà trường cần có quy định chặt chẽ, yêu cầu học sinh phải chấp hành quy định về ATGT đường thủy, sử dụng phao cứu sinh để bảo đảm an toàn. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra an toàn tại bến đò khách ngang sông, bến đò dọc, kiên quyết đình chỉ những bến, phương tiện chở khách không bảo đảm các quy định về an toàn, ngăn chặn tình trạng chở quá tải, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn.