Mới chỉ bước vào năm học chưa đầy 1 tháng nhưng ở các trường học đã xuất hiện nhiều nhà tài trợ đến trao tặng cho học sinh các sản phẩm như sữa, nước suối, đồ ăn, bánh kẹo hoặc một số vật dụng như nón bảo hiểm, đèn lồng trung thu, đồ chơi trẻ em. Sự xuất hiện của các công ty với những chương trình hoành tráng khiến không ít người tấm tắc. Nhưng có đi dự buổi tặng quà mới thấy thương cho những cô cậu học trò bé xíu phải ngồi dưới cái nắng chang chang để nghe… giới thiệu sản phẩm.
Buổi lễ trao quà bắt đầu từ sáng sớm, từ tiết mục văn nghệ chào đón đại biểu, giới thiệu đại biểu, phát biểu cảm tưởng của nhà tài trợ, của lãnh đạo nhà trường đến lãnh đạo địa phương… mỗi bài dài gần 15 phút. Đám học trò ngồi kín sân trường, đội nắng để nghe, tươi cười để nhà báo quay phim, chụp ảnh… Và sau một buổi “lao động”, phần quà là vài hộp sữa tươi, một gói bánh hay một món đồ chơi. Mặc dù “lao động” như nhau nhưng không phải em nào cũng được nhận quà vì số lượng có hạn.
Một phụ huynh có con học ở trường tiểu học bức xúc: “Có đơn vị đến tặng nón bảo hiểm cho trường nhưng trên nón in đầy logo giới thiệu về đơn vị mình. Thằng bé nhà tui ngồi cả buổi sáng mà không được nhận quà vì nhà tài trợ chỉ tặng có mấy chục cái nón thì làm sao đủ hết cho học sinh. Mấy đứa nhỏ phân bì, khóc lóc vì không được nhận quà nên chiều con, tui phải đi kiếm mua cho bằng được cái mũ bảo hiểm ở ngoài thị trường y chang cái nón của nhà tài trợ”.
Đa số các nhà tài trợ bước vào các trường cũng chỉ vì mục đích là quảng bá sản phẩm chứ không tính đến yếu tố giáo dục. Cụ thể như qua các bài phát biểu, một tiểu phẩm hay một trò chơi mà nhà tài trợ mang đến, hầu hết đều mang màu sắc, hình ảnh của sản phẩm nhằm tạo cho các em học sinh thói quen sử dụng sản phẩm đó. Trong khi đó, ở lứa tuổi học sinh, các em chưa đủ khả năng thẩm định được chất lượng sản phẩm nhưng lại rất dễ bị gây ấn tượng bởi các hình ảnh quảng cáo và về nhà vòi vĩnh ba mẹ mua bằng được.
Hoạt động ở các trường học đều nhằm mục đích giáo dục, đào tạo học sinh không chỉ về kiến thức mà còn giáo dục các em phải biết sống khiêm tốn, chân thật… Trong khi đó, chúng ta đều biết tính chất của quảng cáo luôn nói quá để tạo ấn tượng, điều này đã đi ngược lại với chủ trương, mục tiêu của nhà trường.
Các bậc phụ huynh và cả những người có trách nhiệm với thế hệ trẻ đều mong mỏi các trường đừng vì chút ít lợi nhuận từ nhà tài trợ mà đi ngược lại với mục tiêu của ngành và biến nhà trường thành nơi để quảng bá cho các sản phẩm.