“Trẻ em VN uống sữa ngoại nhập với giá cao gấp 200% giá nhập khẩu!” – đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá TP.HCM. Thông tư 122 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1.10 hy vọng sẽ giúp giá sữa ngoại nhập giảm xuống mức hợp lý hơn.
Tăng để… lách luật?
Ngày 1.10 tới Thông tư 122 của Bộ Tài chính về quản lý một số mặt hàng, trong đó sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi buộc phải đăng ký giá có hiệu lực. Tuy nhiên, ba tháng trước ngày thông tư này có hiệu lực, các hãng sữa nhập khẩu đã dồn dập tăng giá sữa. Tháng 7 và 8, hàng chục nhãn hiệu sữa tăng giá từ 2,5% – 10%. Ngay đầu tháng 9, sữa Anmum nhập khẩu từ New Zealand cũng tăng 10%… Hãng Abbott cũng “nhanh chân” điều chỉnh giá sữa. Gần đây nhất, vào giữa tháng 9, hãng Nestlé tăng giá 9% các sản phẩm sữa bột Nestlé gấu và Lactogen…
Các nhà phân phối sữa lý giải giá tăng là do tỷ giá ngoại tệ biến động và nguyên liệu đầu vào tăng giá. Tuy nhiên, thông tin từ Tổ điều hành thị trường trong nước cho biết: Giá sữa thế giới đang giảm, đặc biệt là trong tháng 8, giá sữa thế giới giảm khá mạnh. Tại châu Úc, sữa bột gầy giảm 4% so với tháng trước, giảm 3,5% so với đầu năm. Tại Tây Âu, sữa bột giảm 3,7% so với tháng trước, giảm 4,5% so với đầu năm.
Như vậy lý do đưa ra của các đơn vị phân phối sữa là không hợp lý. Ông Nguyễn Quốc Chiến cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra, nắm được giá sữa nhập về, chi phí cấu thành giá, giá bán ra thị trường… chênh lệch có khi đến 200%. Họ kinh doanh siêu lợi nhuận nhưng chúng ta chưa có hành lang chế tài, xử lý”. Hành lang pháp lý cũng như phạm vi điều chỉnh là trở ngại lớn để kiểm soát giá sữa hiện nay. Theo ông Chiến, các đơn vị kinh doanh, phân phối sữa nhập khẩu kê ra rất nhiều yếu tố cấu thành giá và cho rằng giá như vậy không bất hợp lý, mà chúng ta lại chưa có cơ sở pháp lý để khẳng định các yếu tố này có hợp lý hay không. Thông tư 122 sẽ khắc phục được điều này”.
Sẽ kiểm soát được giá sữa, nếu…
Theo ông Chiến, từ năm 2008, các cơ quan nhà nước đã thấy kẽ hở trong quản lý giá sữa và có nhiều kiến nghị. Tuy nhiên, vấn đề rất phức tạp nên đến nay Thông tư 122 mới ra đời nhằm đáp ứng việc quản lý giá.
Giới kinh doanh nghi vấn có hiện tượng liên kết tăng giá sữa, ông Chiến nói: “80% sữa bột cho trẻ em phụ thuộc nguồn cung nước ngoài, trong khi nhu cầu mặt hàng này tại Việt Nam rất lớn. Cầu tăng thì cung sẽ làm giá. Cần phải đảm bảo nguồn cung sữa để cạnh tranh giá. Hiện tượng tăng giá là tăng giá liên kết. Bộ Công thương phải xử lý việc này”.
Công bố chất lượng, thành phần sữa, định hướng người tiêu dùng (NTD) có thể là biện pháp cần thiết để kéo giảm giá sữa. Ông Chiến nói: “Người Việt nghĩ sữa đắt tiền là tốt, chăm lo cho con nên đắt mấy cũng mua. Đó là lỗi của NTD. Nhà nước và cơ quan quản lý phải định hướng cho NTD về việc này. Bộ Y tế và Bộ Công thương cần phối hợp công bố hàm lượng từng loại sữa để NTD biết sữa tốt – xấu, đắt – rẻ mà chọn mua”.