Tâm hồn trẻ thơ trong veo và không vướng bận bởi giá trị vật chất. Nhưng một ngày, bạn phát hiện con xấu hổ khi không có đồ chơi “sịn” bằng bạn hoặc không chơi với bạn nào đó vì nhà bạn không có máy lạnh, bạn nên mừng hay lo? Và bạn có chắc chính mình không vô tình gieo vào con những ý tưởng phân biệt giàu nghèo?
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thị Linh Trang cho rằng, cha mẹ không nên né tránh khi con có những câu nói hay biểu hiện phân biệt giàu nghèo. Những câu trả lời cho qua chuyện kiểu “Con nít biết gì mà hỏi” hay “chuyện này con chưa đủ tuổi, lớn lên rồi con sẽ biết” không dập tắt được vấn đề trong nhận thức của trẻ.
Nhưng nguy hiểm hơn là kiểu trả lời “Ừ, nhà mình nghèo, nhưng số trời là vậy, ba/mẹ cố mãi mà không giàu nổi” hay “Nhà mình giàu, con không được chơi với những đứa nhà nghèo, bẩn lắm nghe chưa”. Nếu dạy như vậy, trẻ nhà nghèo sẽ ngày càng mặc cảm, an phận, còn trẻ nhà giàu ngày càng phân biệt và quá coi trọng vật chất.
Để định hướng cho trẻ trở thành một con người tích cực với xã hội, theo Thạc sĩ Tâm lý Linh Trang, cần có những cách giáo dục linh hoạt phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ.
Đối với lứa tuổi mẫu giáo
Dạy trẻ ý nghĩa đằng sau vật chất, ví dụ như chiếc ô tô này rất quí, không phải vì đắt tiền, dù nó không mới như ô tô của bạn Y bạn Z, mà vì đó là món quà của bà tặng trong dịp sinh nhật.
Đối với lứa tuổi lớn hơn
- Dùng hình ảnh(Internet, TV…) để cho trẻ biết về những cảnh giàu/ nghèo khác trên thế giới để trẻ biết mình đang ở đâu trong bức tranh
- Kể cho trẻ nghe những ví dụ về những người giàu và thành đạt lập nghiệp từ tay trắng ( Rockerfeller, Bill Gates…) hay những ví dụ gần gũi xung quanh
- Khuyến khích/ cho trẻ đi cùng khi tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện
- Dạy trẻ giá trị thật của đồng tiền: chỉ có đồng tiền kiếm được từ sức lao động chân chính mới đáng quí và nếu biết ước mơ và dám thực hiện, người ta có thể đạt được hầu hết những thứ mong muốn.