Sinh con được 3 tháng, chị Hòa thấy người khang khác. Sữa đang nhiều lại ít, người mệt mỏi và buồn nôn…
Mang bầu mà không biết
Bị sảy mấy lần, đến lần thứ 3 mới giữ được thai nhi, gia đình anh chị Hòa vui lắm. Một cô bé xinh xắn, dễ thương ra đời và được bố mẹ cưng như vàng. Từ lúc chị Hòa mang bầu, chồng chị đã kiêng cữ kỹ lắm, giữ cho vợ cả 9 tháng không “giao ban” tí nào.
Đến khi vợ đã sinh hạ mẹ tròn con vuông, sau 1 tháng, anh bắt đầu cảm thấy không thể giữ gìn nổi nữa. Chị Hòa thương chồng, lại lo chồng ra ngoài tòm tèm, nên cũng chiều chồng.
Khi con gái được 3 tháng, chị thấy người khang khác. Sữa đang nhiều lại ít, người mệt mỏi và buồn nôn. Sau sinh, chưa gặp đèn đỏ, chị đi khám, bác sỹ mới bảo rằng chị có bầu được 5 tuần. Vợ khóc lóc sướt mướt, trách chồng. Còn chồng chị Hòa lòng rối như tơ vò. Thế mà cậu bạn thân bảo anh: “Đang cho con bú, cứ vô tư đi, không dính được đâu”.
Hai vợ chồng quyết định giữ thai lại. Nhưng chỉ sau 2 tháng, thai lại tự sảy do tử cung của chị Hòa vẫn còn yếu quá, chưa phục hồi và đủ sức mang em bé.
Tại một phòng khám sản khoa ở Hà Nội, aFamily bắt gặp rất nhiều các chị em mang thai khi bé trước còn quá nhỏ. Có chị con mới 8 tháng đã có bầu 5 tháng. Có chị mếu máo nước mắt lưng tròng, phân vân không biết “nên giữ hay nên bỏ”.
Nhiều chị em tâm sự, sau sinh, mọi người vẫn có tư tưởng là cho con bú thì không mang bầu. Hoặc chưa gặp đèn đỏ thì làm sao có bầu. Các ông chồng lại ngại mặc áo mưa nên chị em cũng châm chước. Thuốc tránh thai lại không dám uống vì sợ ảnh hưởng đến sữa của con. Mỗi lần giao ban, hai vợ chồng đều phân tâm và lo lắng vì nỗi lo dính bầu. Chất lượng sinh hoạt vợ chồng cũng bị giảm sút rõ rệt.
Biện pháp tránh thai an toàn không ảnh hưởng đến bé
Theo kinh nghiệm của các cụ xưa truyền lại, sau khi sinh, cần kiêng cữ ít nhất là 100 ngày (3 tháng 10 ngày). Thực tế, theo các bác sỹ sản khoa thì không cần thiết phải như thế. Ngay sau khi tử cung, âm đạo và các phần phụ khác của vợ đã trở lại trạng thái bình thường, hai vợ chồng hoàn toàn có thể sinh hoạt. Thông thường, thời gian chờ đợi để mọi thứ trở lại bình thường từ 4 – 6 tuần.
Theo bác sỹ Mai Trọng Hưng (BV Phụ sản Hà Nội),nếu người mẹ không cho con bú, kinh nguyệt cũng sẽ trở lại như trước lúc có thai. Nếu mẹ cho con bú, kinh nguyệt sẽ trở lại chậm hơn một chút, có thể từ 8 tháng – 1 năm. Vì thế, nếu không quan hệ an toàn trong thời kỳ này, nguy cơ có bầu là rất lớn. Đặc biệt khi con bắt đầu ăn dặm, cữ bú sữa mẹ thưa dần, nguy cơ này sẽ cao hơn so với lúc con bú mẹ hoàn toàn.
Trong thời gian này, các bố mẹ lưu ý sử dụng những biện pháp tránh thai, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh sản của bé. Mẹ không nên uống các loại thuốc tránh thai, sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu hóa của bé. Lượng sữa mẹ cũng sẽ giảm xuống.
Áp dụng biện pháp nào?
Bạn có thể dùng bao cao su ngay sau khi sinh con mà không gây vấn đề gì cho sức khoẻ của mẹ và con.
Không nên đặt vòng ngay sau khi sinh. Hãy chờ cho tử cung trở lại kích thước bình thường, nếu không cổ tử cung hãy còn mở và vòng tránh thai có thể bị rơi ra ngoài. Nếu cho con bú thì nên đặt vòng trong khoảng 4-6 tuần sau khi sinh (lâu hơn càng tốt) và chỉ nên đặt vòng sau khi mổ đẻ 6 tháng.
Bạn có thể dùng thuốc tránh thai thường dùng nếu bạn không cho con bú. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc ngay sau khi sinh vì như vậy sẽ dễ gây ra đông máu và viêm tĩnh mạch.
Tốt nhất là nên dùng biện pháp khác cho đến khi có kinh trở lại và ngày đầu có kinh lại mới nên bắt đầu dùng một vỉ thuốc. Lưu ý, nếu lúc ấy bạn còn cho con bú, tất cả những gì bạn hấp thụ vào người vẫn tan vào sữa… Và bạn có thể vô tình cho con cùng uống thuốc tránh thai với mẹ.