Phân xử những lúc trẻ xung đột, ẩu đả không đơn giản. Cha mẹ cần ửng xử khéo léo để trẻ biết phân biệt đúng – sai, kẻo trẻ dễ bị tổn thương, cho rằng người lớn không công bằng.
Nuôi dạy một đứa trẻ không phải dễ. Với những gia đình đã sinh 2 con thì ngoài việc lo cho con ăn uống, học hành còn phải chú ý dạy dỗ sao cho các con biết yêu thương, nhường nhịn, đoàn kết.
Khá nhiều bậc phụ huynh tâm sự rằng, họ rất đau đầu vì con cái tỵ nạnh nhau mỗi khi được chia quà hay mua quần áo. Khổ nhất là những gia đình đẻ mau, con cái họ chỉ chênh nhau 1-2 tuổi còn xảy ra cả những cuộc ẩu đả. Lúc đó, cha mẹ rất khó khăn phân xử sao cho khéo léo để trẻ hiểu ra vấn đề.
Anh Trung (Thanh Xuân Bắc) chia sẻ: “Hai con tôi chênh nhau 2 tuổi nhưng anh em chúng chẳng lúc nào chơi với nhau được lâu. Cứ được một lúc là bố mẹ lại phải hoà giải. Có lúc đứa lớn bị đứa nhỏ giằng đồ chơi còn đánh lại em, làm đứa nhỏ khóc ré, hàng xóm cũng phải chạy sang hỏi xem nhà có chuyện gì”.
Phân xử những lúc trẻ xung đột, ẩu đả không phải đơn giản. Cha mẹ cần ửng xử cho khéo léo để trẻ biết phân biệt đúng – sai, phải – trái kẻo trẻ dễ bị tổn thương, cho rằng bố mẹ không công bằng.
Như trường hợp nhà chị Minh, thấy hai chị em chọc ghẹo nhau, rồi đứa bé khóc, chị vội vàng chạy ra bế dỗ Bống và mắng chị Bông không chịu nhường em làm cô chị cũng khóc oà lên thút thút: “Mẹ lúc nào cũng chỉ bên cái Bống, nó xé hết cả sách của con rồi mà mẹ không mắng nó, lại mắng con”…
Trẻ ghen tị được cho là bình thường, nhưng nó cũng làm trẻ cảm thấy không yên tâm, buồn bã và thậm chí còn có thể phá hỏng mối quan hệ giữa các anh em ruột trong nhà.
Theo BS Phạm Ngọc Thạch (Bệnh viện Nhi đồng 1): “Cha mẹ cần có những phản ứng khác nhau đối với những mức độ xung đột khác nhau giữa các con. Khi trẻ bất đồng và tranh cãi với anh/chị/em của chúng thì đó là lúc chúng đang học được những kỹ năng quan trọng có thể giúp ích cho cuộc sống. Tuy nhiên cha mẹ cũng cần đặt những giới hạn căn bản.”
Với những xung đột, mâu thuẫn nhẹ nhàng của trẻ, cha mẹ có thể làm ngơ, để trẻ tự giải quyết. Đó cũng là một cơ hội đề trẻ học được kinh nghiệm quan trọng về cách giải quyết xung đột.
Khi trẻ xung đột ở mức độ căng thẳng, cha mẹ cần can thiệp để hoà giải giúp trẻ trên tinh thần tôn trọng, hiểu vấn đề của trẻ, mô tả lại vấn đề và giúp trẻ xác lập quan điểm của chúng để chúng có thể tự giải quyết. Với những trường hợp khi trẻ ẩu đả nhau thì cha mẹ nên tách trẻ ra rồi trò chuyện với từng trẻ giúp chúng lấy lại bình tĩnh và hiểu ra sự việc.
Tránh so sánh trẻ với nhau, đặc biệt tránh tình trạng một đứa được khen thật nhiều, một đứa thì lại hay bị chê bai. Sự so sánh và thiếu công bằng sẽ làm cho anh chị em trong nhà càng ganh đua nhau, làm cho ít nhất một đứa bị căng thẳng và những đứa khác có thể tự mãn.
Bác sỹ Thạch cũng nhấn mạnh, “Cha mẹ cần quan sát mối quan hệ của các con trong nhà và giúp trẻ ứng xử một cách phù hợp. Đặc biệt là cha mẹ nên tránh dùng bạo lực đối với con cho dù là lời đe dọa, chửi mắng hoặc đánh đập. Chỉ khi cha mẹ làm chủ được cảm xúc của mình, thì cha mẹ mới dạy trẻ bình tĩnh giải quyết những xung đột trong gia đình. Nhờ đó khi trẻ ra ngoài xã hội, trẻ sẽ không ứng xử bằng bạo lực với bạn bè và người khác.”