Hình ảnh những ông bố, bà mẹ chở con trẻ đến trường với cặp sách- ba lô nặng trên vai trở thành hình ảnh quen thuộc.
Dư luận xã hội mấy ngày gần đây xôn xao về vụ việc được nêu trên báo chí- bé Bùi Thị Yến Anh, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Thới Thạnh, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh bị gãy xương đòn ở vai do… đeo cặp sách quá nặng. Sự việc này khiến cho các bậc phụ huynh và các nhà sư phạm giật mình. Hiện tượng “Con cặp to, bố cặp nhỏ” đã trở thành quá phổ biến, đến mức người ta đã quên mất những tác động mà nó có thể mang lại.
Cũng trên báo chí đã nêu, trong một điều tra đối với học sinh tiểu học về vấn đề mang cặp sách đến trường, PGS Dương Xuân Đạm- nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu, thuộc Bệnh viện 108 hết sức bất ngờ khi có tới gần 20% trẻ bị lệch, vẹo cột sống, mà nguyên nhân được cho là do mang cặp siêu nặng. Điều tra này cũng chỉ ra rằng, học sinh đeo ba lô sau lưng thì vẹo về phía trước; đeo bên hông thì vẹo cột sống… Ngoài ra còn có nguyên nhân do ngồi học không đúng tư thế, do bàn ghế chưa chuẩn so với tầm vóc…
Cháu Bùi Thị Yến Anh bị gãy xương đòn do đeo cặp sách quá nặng
Trẻ em trong độ tuổi học phổ thông, nhất là học sinh tiểu học, ở lứa tuổi 6-11 tuổi, đang trong quá trình phát triển vóc dáng. Bất cứ một tư thế nào không phù hợp cũng tác động xấu đến sự phát triển của trẻ. Nhất là việc mang, vác những vật nặng, quá tỷ lệ cho phép với trọng lượng cơ thể của trẻ.
Những năm gần đây, dư luận nói nhiều đến việc học quá tải của học sinh, trong đó có học sinh tiểu học. Các cháu học sinh tiểu học không chỉ học 2 buổi/ngày và còn phải học thêm, học ngoại khóa… chẳng còn thời gian vui chơi những trò chơi tuổi thơ, cũng chẳng có thời gian đào sâu suy nghĩ những gì đã học.
Câu chuyện trẻ em phải mang cặp sách, ba lô đựng sách vở nặng quá sức phản ánh một khía cạnh bất cập trong hệ thống giáo dục hiện nay. Nếu ai đã từng tham khảo việc học hành của trẻ em ở các nước tiên tiến, đều thấy rằng, các em đến trường rất nhẹ nhàng, về nhà không phải lo bài tập về nhà. Những cán bộ Việt Nam đi công tác có thời hạn ở nước ngoài khi đem theo gia đình thường không lo lắng đối với việc học của trẻ khi ra nước ngoài. Mà trái lại, họ lại có tâm lý lo lắng khi trở về môi trường học với chính tiếng mẹ đẻ. Nhiều trẻ em ở lứa tuổi học đường khi trở về không theo kịp chương trình học quá nặng ở quê hương.
Không chỉ chương trình học- sách giáo khoa trong chương trình phổ thông đã nhiều, mà nhiều bậc phụ huynh còn mong muốn và ép con cái học thêm nhiều thứ. “Tinh thần hiếu học” của người Việt Nam đã trở thành tâm lý chạy theo bằng cấp, gây sức ép đối với con trẻ.
Có một câu chuyện vui thế này. Một đứa trẻ theo cha mẹ lên cơ quan, quan sát người lớn làm việc, bèn nói: Con không muốn đi học đâu, con muốn đi làm như bố mẹ thôi. Bố mẹ đi làm chỉ đến cơ quan đọc báo, gọi điện thoại rồi lại xách túi đi(!)
Ước gì trở lại ngày xưa, thời thế hệ chúng tôi còn là con trẻ, được học được chơi!/.