Đề thi tuyển sinh đại học khối C và D năm nay có hai câu hỏi nghị luận xã hội được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến xuôi ngược. Đó là thói vô trách nhiệm (đề khối C) và đạo đức giả (đề khối D). Nhiều ý kiến cho rằng, đó là những câu hỏi hay, không chỉ kiểm tra khả năng nhận thức thực tế đời sống, chuẩn mực đạo đức của con người trong xã hội văn minh mà còn có ý nghĩa gợi mở cho thí sinh, những người trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước một lối sống tích cực để sống tốt hơn, đẹp hơn.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến đề cập tới việc những câu hỏi ấy “quá già”, “quá tầm” các thí sinh. Thậm chí, có thí sinh còn “nói thẳng”, đề thi khiến các em phải “nói dối”. Đề thi liệu có “quá già”, “quá tầm”? Tôi chưa đồng tình với ý kiến này. Bởi, thứ nhất, những thí sinh đi thi đại học đều đã ở lứa tuổi 18, tức là đã bước vào tuổi trưởng thành. Ở tuổi đó, các em phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình trước pháp luật, trước xã hội. Vì thế, đã đến lúc các em phải biết tư duy những vấn đề xã hội để tự điều chỉnh hành vi của mình. Ở góc độ khác, với hai vấn đề xã hội nêu lên trong cả hai đề thi, ở mỗi độ tuổi, mỗi trình độ văn hóa, đều có thể lý giải, bàn luận ở mức độ khác nhau. Các thí sinh chưa từng trải nhiều, thì có thể bàn luận ở mức độ mà các em có thể nhận thức. Lịch sử Việt Nam từng chứng kiến nhiều tấm gương trẻ tuổi mà đã có hoài bão lớn, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, thậm chí là cả quốc gia, dân tộc như: Huyền tích Thánh Gióng, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, đội du kích thiếu niên Đình Bảng… Trong khi, xã hội càng văn minh, con người lại càng cần hiểu biết nhiều hơn, sớm hơn.
Còn việc có thí sinh phải “nói dối” (con số này chắc hẳn cũng không nhỏ!), cũng không có gì lạ. Bởi, chắc chắn khi động chạm vào những vấn đề như thói vô trách nhiệm và đạo đức giả, có không ít người lớn hơn cũng nói dối. Vấn đề là, những em “nói dối” đã ý thức được mình đang “nói dối”, tức là ít nhiều biết xấu hổ với việc “nói dối”. Đó là sự mừng! Khi người ta biết xấu hổ với việc làm xấu, thì người ta hoàn toàn có thể không làm việc xấu ấy nữa. 18 tuổi không còn là quá trẻ để tư duy về những vấn đề xã hội. Tuổi 18 là tuổi trưởng thành, đừng bắt các em làm trẻ em mãi.