Theo thống kê của Tổ chức Y Tế Thế giới, Việt Nam là một trong những nước hiện có số dân nhiễm giun, sán cao nhất tại khu vực châu Á (khoảng 75% người Việt Nam mắc các bệnh lý về giun sán, tương đương 60 triệu người), đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi 2-12.
Điều đó cũng có nghĩa trẻ em là đối tượng đang bị ảnh hưởng nhiều nhất đến thể chất, tinh thần do chính loài vật ký sinh tưởng chừng “vô hình” này.
Các loại giun đường ruột phổ biến ở Việt Nam
Đó là các loại: giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim. Nguyên nhân nhiễm giun rất đơn giản, hầu hết qua các sinh hoạt hàng ngày:
+ Giun đũa và giun tóc: nhiễm do nuốt trứng. Trứng giun từ người bị nhiễm theo phân ra ngoài, có trong đất, nước, rau xanh… dễ dàng lây nhiễm vào cơ thể người khác trong gia đình, tập thể, cộng đồng do thói quen sinh hoạt kém vệ sinh (tay dơ bị dính đất lại cầm thức ăn, mút tay, uống nước không nấu chín, ăn rau sống không rửa kỹ…).
+ Giun kim: nhiễm do nuốt trứng. Giun kim cái thường bò ra rìa hậu môn để đẻ trứng vào ban đêm gây cảm giác ngứa khó chịu, khi trẻ gãi trứng giun kim sẽ bám vào ngón tay, móng tay và nhiễm vào cơ thể khi bé mút tay, ngậm tay, cầm thức ăn, ngậm đồ chơi… Ngoài ra, trứng giun kim nhẹ có thể bay lên không khí, khi ta quét nhà sẽ hít phải trứng qua đường hô hấp.
+ Giun móc: nhiễm qua da. Ấu trùng giun móc tồn tại trong đất, khi tay chân tiếp xúc trực tiếp với đất như đi chân đất, chơi đùa trên đất, làm ruộng, rẫy, nhổ cỏ… mà không mang găng đi ủng, ấu trùng sẽ chui qua da và nhiễm vào cơ thể người.
Tác hại khôn lường
Vật ký sinh này sống trong cơ thể bé, nên nếu không để ý và quan sát kỹ, bạn sẽ không cảm thấy được sự tồn tại của chúng. Tuy nhiên, những gì chúng gây ra cho bé và cả người lớn, thực sự nguy hiểm và đáng lưu ý!
Sau khi xâm nhập, các loại giun sẽ trưởng thành ở trong ruột, sống bằng cách “chiếm đoạt” các chất dinh dưỡng của người như giun đũa, giun kim hoặc hút máu bệnh nhân như giun móc, giun tóc dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu. Ngoại trừ giun kim, tuổi thọ chỉ 3 tháng, các loại giun còn lại có thể sống 1 – 2 năm đến trên 5 năm trong cơ thể người.
Chu trình tái nhiễm giun giữa môi trường xung quanh
Như vậy, nếu không phòng ngừa và tẩy giun kịp thời, bao nhiêu thức ăn ngon, chất bổ dưỡng bạn dành cho bé hay cho gia đình sẽ bị loài ký sinh này “chiếm đoạt”. Không chỉ gây ra những tác hại lâu dài, nhiễm giun còn có thể dẫn đến các biến chứng cấp tính cho sức khỏe của con người. Giun đũa có thể gây tắc ruột, lồng ruột, xoắn ruột, giun chui ống mật, viêm tắc đường mật, tụy và nặng hơn là sỏi mật. Giun kim, giun tóc có thể gây viêm ruột thừa, viêm đường tiểu, viêm âm đạo, viêm buồng trứng, viêm tiền liệt tuyến. Nhiễm giun móc dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu sắt và nặng hơn là suy tim và những hậu quả nặng nề khôn lường.
Phòng ngừa nhiễm giun cho bé
Tác hại của giun rất lớn, vì vậy nếu chỉ “chăm chăm” tẩy giun cho trẻ, thì biện pháp phòng ngừa và chữa trị vẫn chưa đủ. Điều quan trọng nhất là cần phải có sự phối hợp của cả nhà, thậm chí của cả nhà trường. Bởi chỉ cần một thành viên trong gia đình hay tập thể bị nhiễm giun, thì nguy cơ lây cho những người còn lại, đặc biệt ở các bé là rất cao.
Hiểu được tầm quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng chống nhiễm giun, Chuyên đề Mẹ & Con – Báo Giáo Dục & Đào Tạo TP. HCM đã kết hợp với ban giám hiệu các trường tổ chức Hội thảo “Cả nhà tẩy giun – bé thông minh, khỏe mạnh” năm 2010, dưới sự tài trợ của hãng Dược phẩm Janssen Cilag.
Trong buổi hội thảo này, bác sĩ Lê Văn Nhân – Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM trò chuyện và trao đổi về các tác hại của nhiễm giun đối với sức khỏe cũng như cách phòng ngừa và tẩy giun hiệu quả cho bé và gia đình. Đối tượng tham dự là học sinh tại các trường tiểu học, THCS và quý phụ huynh của một số trường mầm non tại TP.HCM. Chương trình Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo quý phụ huynh, học sinh và quý thầy cô của các trường, bởi lẽ đây là một hoạt động bổ ích, có ý nghĩa và đóng góp vào công tác giáo dục sức khỏe học đường nói riêng cũng như giáo dục sức khỏe cho cộng đồng nói chung.