Thời gian gần đây tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em lang thang…ngày càng tăng với những con số, những hình ảnh đáng lo lắng đang là hồi chuông làm thức tỉnh triệu triệu trái tim…
Điều đáng nói, cùng với những cơ quan chức năng, báo chí trở thành kênh thông tin nhanh nhậy, kịp thời, là tiếng nói rất quan trọng để người người nhìn nhận, đánh giá sự cần thiết và cấp bách của việc bảo vệ những “chủ nhân tương lai của đất nước”. Trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút là điều tiên quyết để những bài báo viết về trẻ em sâu sắc, cảm động và thiết thực.
Nhức nhối nỗi đau… con số giật mình
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong hai năm 2008 – 2009 cả nước đã xảy ra 5.956 vụ trẻ em bị bạo lực. Theo báo cáo của Bộ Công an thì bình quân một năm xảy ra trên 100 vụ giết trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục với khoảng 900 em là nạn nhân và 50 vụ bắt cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý hình sự, trong đó có một số vụ gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng bạo lực ở trong và ngoài nhà trường vẫn tiếp tục xảy ra và là nỗi bức xúc, bất an đối với các bậc phụ huynh và những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đầu năm học 2009 – 2010 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường. Không chỉ thế, trẻ em còn là nạn nhân của các vụ bắt cóc, buôn bán người. Tình trạng trẻ em bị buôn bán bắt cóc vì mục đích thương mại có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2008 con số này là 208 em, năm 2009 đã tăng lên 628 em. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục cũng rất đáng báo động khi tăng từ 200 trường hợp năm 2005 lên 1.427 em vào năm 2008. Năm 2009, con số này là 833 em và ước tính năm 2010, có khoảng 900 em là nạn nhân.
Đặc biệt, trong đó có một số vụ gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhiều trẻ em bị chính cha mẹ, người thân, những người phải có trách nhiệm bảo vệ các em lại có hành vi bạo lực trẻ em. Điển hình như vụ em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở Chu Văn Đức và Trịnh Hạnh Phương ở quận Thanh Xuân, Hà Nội ngược đãi, đánh đập trong thời gian dài; vụ Quản Thị Kim Oanh đánh đập trẻ em tại nhóm trẻ gia đình ở Đồng Nai; cháu Hồng Anh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bị người “cha hờ” đánh đập, hành hạ dã man; hay như trường hợp cháu Nguyễn Hào Anh, 14 tuổi (Cà Mau) bị vợ chồng chủ trại tôm Minh Đức hành hạ suốt thời gian dài với các hình thức dã man…Gần đây nhất là vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý mới 9 tháng tuổi ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp bị chính mẹ ruột và ông bà ngoại hành hạ…
Truyền thông…đầu tiên phải là nhận thức
Thứ trưởng thường trực Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc đã phát biểu ở hội thảo BVCSTE tại Hưng Yên: Thời gian qua, các cơ quan truyền thông cũng đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vấn đề trẻ em nói chung và trẻ em lang thang nói riêng. Tuy nhiên, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta cũng có thể nhận thấy vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục, ngược đãi, bạo lực, bị mua bán, lạm dụng sức lao động… vẫn còn bức xúc, trong đó có những vụ rất thương tâm, gây chấn động dư luận. Thực trạng trên cho thấy, vấn đề BVCSTE nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Trẻ em lang thang nói riêng chưa đạt được như mong muốn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở Việt Nam chưa tốt. Trong đó, vấn đề về nhận thức của mỗi cá nhân trong xã hội, của mỗi thành viên trong gia đình, nhà trường hay của chính bản thân trẻ em chưa được đầy đủ, thậm chí lệch lạc là điều cốt lõi dẫn đến những tình trạng bạo lực, xâm hại…trẻ em ngày càng tăng trong xã hội hiện nay. Điều đó đặt ra cho người làm công tác truyền thông về lĩnh vực trẻ em cần phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc hành trình làm thay đổi nhận thức trong xã hội về vấn đề này.
Tính đến tháng 5/2009, cả nước đã có 706 báo in với hơn 600 triệu bản báo phát hành hàng năm, 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình, 606 đài cấp huyện và hệ thống truyền thanh xã, phường. Rất nhiều tờ báo có chuyên mục dành cho trẻ em, hoặc thường xuyên đăng tải các vấn đề về trẻ em. Báo chí trở thành tiếng nói của xã hội, tiếng nói của trẻ em, phản ánh trung thực cuộc sống của trẻ em, bảo vệ quyền của trẻ em, thể hiện sự lắng nghe và tôn trọng của xã hội đối với các em. Chính vì vậy, những thông tin về các vụ việc bạo hành, những mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ,…đã trở thành tâm điểm cho những người làm báo hàng ngày hàng giờ. Những người làm báo với trách nhiệm của mình đã lên tiếng bảo vệ trẻ em, phản ánh trung thực những điều mắt thấy tai nghe và gióng lên hồi chuông báo động về một thực trạng còn tồn tại trong xã hội hiện nay. Có những tác phẩm làm cho cả xã hội căm phẫn, có những bài viết mua được hàng triệu triệu giọt nước mắt, có những thông tin làm cho cả loài người bàng hoàng…Và đó là sức mạnh của truyền thông báo chí.
Trong bối cảnh, trẻ em ngày càng trở thành nạn nhân của nhiều tội ác, báo chí lại càng phải tiếp tục đổi mới, bám sát hơn nữa để lên tiếng bênh vực, bảo vệ những “mầm xanh” của đất nước. BVCSTE là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của từng người, của xã hội…Báo chí cũng phải đề cao hơn nữa trách nhiệm của mình đối với xã hội, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng nhằm góp phần vào việc nâng cao hiệu quả của công tác BVCSTE. Điểm đến cuối cùng vẫn phải là làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, của từng người dân, của từng mái ấm gia đình.