Nửa đêm, chị Lan đưa con gái P.Vy đi cấp cứu tại BV Xanh Pôn vì bé khó thở. Kết quả chụp X – quang khiến cả nhà suy sụp khi bác sĩ thông báo, có khối u to bất thường ngay tại trung thất…. 9 năm qua bé Vy rất ít ốm.
9 năm chưa một lần phải đến viện
… Sau cơn khó thở, cả nhà lại đưa bé về, nhưng cũng từ lúc đó, không ai chợp được mắt. Dù chưa có kết quả xét nghiệm, bé sẽ còn phải tiếp tục chiếu chụp nhưng qua tư vấn của nhiều người, chúng tôi đều biết, khả năng u ác là rất lớn. Ai cũng sợ điều đó xảy đến với bé, nhưng mỗi người đều giữ riêng suy nghĩ cho mình, không ai dám nói ra”, chị Lan, mẹ bé Vy chia sẻ, sau gần 2 năm bé được điều trị ổn định khối u trung thất K.
Chưa bao giờ chị Lan nghĩ bệnh trọng lại xảy đến với con gái mình. Vì từ lúc sinh ra đến khi phát hiện bệnh, cả nhà vẫn hay nói “trộm vía” vì Vy rất ít khi đau ốm, khác hẳn người anh sinh trước đó 3 năm của Vy, liên tục bị viêm mũi, viêm họng phải chăm chút vất vả. Đằng này, Vy thỉnh thoảng mới bị ốm vặt, chỉ tới phòng khám gần nhà, uống thuốc dăm ba hôm là khỏi.
Đến khi 7 tuổi, Vy đã lớn phổng hơn các bạn cùng lớp, chỉ có điều, dáng đi của bé hơi so vai, chạy nhảy nhiều là thở hổn hển. Nhưng khi đưa con tới phòng khám, bác sĩ chỉ nói đó là biểu hiện của dạng hen phế quản. Không ngờ, đến lần này, cũng đi chữa viêm phổi tại phòng khám, vẫn đang uống thuốc mà bé lại lên cơn khó thở vào giữa đêm và đó cũng là lần đầu tiên Vy phải đến viện, phải chụp X-quang, CT…
Kết quả, bé không bị viêm phổi mà có khối u nằm giữa trung thất, kích thước 5 x 7cm, đẩy lệch tim về một bên là nguyên nhân chèn ép gây khó thở. Khối u quá lớn, các bác sĩ không thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ mà chỉ để sinh thiết rồi đóng lồng ngực lại. Đến nay, bé Vy vẫn đang tiếp tục được điều trị, sau gần 2 năm truyền hóa chất chống chọi với bệnh trọng.
Trường hợp của bé Nguyễn Quang Tiến (ở Nghệ An) bị ung thư máu cũng vậy. Từ khi sinh, Tiến chưa một lần phải đến viện khám bệnh. “Lần đó, thấy con ra nhiều dử mắt, nhỏ bao thuốc mắt vẫn không khỏi, nghĩ từ bé con cũng chưa đi khám bệnh tử tế bao giờ, gia đình mới đưa bé ra bệnh viện Mắt TƯ khám”, chị Nguyễn Thị Thoại, mẹ bé Tiến nói.
Tại đây, bé được chẩn đoán có khối u mắt, mất hơn 2 tháng điều trị cũng không khỏi, anh chị mới đưa bé sang viện Nhi TƯ khám. Kết quả khám con bị K máu khiến chị cũng ngất lên ngất xuống. Căn bệnh hiểm nghèo bạch cầu cấp được phát hiện đúng thời điểm bé Tiến (khi đó mới 16 tháng tuổi) đang chập chững bước đi và bi bô những tiếng gọi mẹ đầu tiên trong đời. Ngày đầu tiên nhập khoa ung bướu (BV Nhi TƯ) để truyền hoá chất điều trị, bé Tiến nặng 13kg, bụ bẫm, lém lỉnh, nhanh nhẹn, trắng trẻo. Vừa vào phòng bệnh, bé đã toe toét cười làm quen với các anh chị, chú bác cùng phòng… Nhưng kể từ khi bước vào điều trị, những tác dụng phụ của hóa chất khiến bé liên tục bị viêm phổi, rồi nước đọng trong não phải mổ khiến Tiến không còn tự đứng được trên đôi chân của mình, bé sụt 3kg, gầy sọp và yếu ớt. Và rồi, trải qua 7 tháng điều trị, Tiến đã không còn sức vượt qua những đớn đau, bệnh trọng, bé đã mãi mãi ra đi…
Theo TS Bùi Ngọc Lan, Trưởng khoa Ung bướu, BV Nhi TƯ, mỗi năm tại BV có khoảng 400 trẻ được chẩn đoán là mắc ung thư mới. Do nhiều người không có thói quen khám sức khoẻ định kỳ cho con nên khi có triệu chứng đến BV thì hầu hết đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, trẻ cần được quan tâm khám sức khỏe định kỳ như ở người lớn, để kịp thời phát hiện bệnh tật.
Cần khám sức khỏe định kỳ cho trẻ
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ vô cùng quan trọng. Vì ở trẻ em, mỗi một thời điểm lại đánh dấu một mốc phát triển. “Không chỉ đánh giá các giai đoạn phát triển, mà việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ còn phát hiện rất nhiều bệnh âm ỉ rất lâu mà không có triệu chứng. Đáng tiếc, người Việt đa phần vẫn có thói quen, khi con khỏe mạnh không bao giờ nghĩ tới việc đưa con đi khám mà chỉ đưa đi khám khi có dấu hiệu bất thường. Trong khi đó, thực tế, nhiều trẻ đang khỏe đi khám lại phát hiện ra nhiều bệnh nguy hiểm, như bệnh tim bẩm sinh, suy thận…là những bệnh mà khi khám sức khỏe tổng quát cho trẻ, bác sĩ gặp rất nhiều dù trẻ không hề có triệu chứng rõ rệt”, BS Dũng nói.
Như trường hợp của em Huy Quang (9 tuổi ở Kiến An, Hải Phòng) vừa được chuyển từ bệnh viện Tai mũi họng TƯ sang khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) để điều trị viêm cầu thận cấp. Em này đến viện với mục đích cắt amidan, nhưng khi tiến hành xét nghiệm trước khi phẫu thuật, các bác sĩ đã phát hiện em bị viêm cần thận cấp. Nếu không có sự tình cờ này, bệnh viêm cầu thận cấp không có biểu hiện rõ ràng, cứ âm ỉ, chỉ vài ba năm sẽ phát triển thành viêm cầu thận mãn, khi đó, việc điều trị vô cùng khó khăn, tốn kém.
“Với trẻ em, khi sinh ra cần khám để sàng lọc bệnh tim bẩm sinh. Vì nếu phát hiện sớm, mổ sớm em bé sẽ khỏe mạnh, nhưng có những bệnh tim, nếu để đến 3 – 4 tháng tuổi thì không còn đường cứu chữa. Hay với bệnh thận, ở nhiều nước trên thế giới, trẻ em mỗi năm đều được sàng lọc bệnh thận một lần”, BS Dũng nói.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến người lớn không quan tâm tới khám sức khỏe định kỳ ở con trẻ là vì trẻ em rất hay ốm và vẫn thường xuyên được bố mẹ đưa đi bác sĩ. Nhưng đó chỉ là khám nội thông thường, chỉ nghe tim phổi, chiếu chụp mà ít khi được làm các xét nghiệm, chiếu chụp. Trên thực tế, có rất nhiều trẻ em bị bệnh trọng như những trường hợp ở trên, cũng chỉ vì bố mẹ ngại đưa con tới viện (do đông đúc, phải chờ đợi) mà chỉ khám ở phòng khám tư. Nhiều trường hợp, dù nghe tim phổi, thấy dấu hiệu viêm phổi rõ ràng nhưng bác sĩ vẫn chỉ định chụp X – quang nếu có nghi ngờ có bệnh lý khác. Vì thế, các bậc phụ huynh không nên quá lạm dụng vào phòng khám tư, trong nhiều trường hợp cần phải tới viện để được khám, chiếu chụp đầy đủ.
BS Dũng cho biết thêm, khám tổng thể cho trẻ có rất nhiều mức độ, từ khám lâm sàng chung đến làm các xét nghiệm chung như thử máu, thử nước tiểu, xét nghiệm một số chức năng về gan… thì mỗi trẻ sẽ được bác sĩ tư vấn kỹ để có thể kiểm tra chuyên sâu nếu có nghi ngờ.