Đến nhà đồng nghiệp ăn tối, Oanh (29 tuổi), đề nghị cô con gái 8 tuổi của chủ nhà hát một bài tiếng Anh, vì từng nghe mẹ cháu khen mãi. Không ngờ cô bé mất gần 30 phút mới thể hiện xong bài Happy birthday to you, giọng ngọng líu.
Chuyện là Hà, đồng nghiệp của Oanh – kế toán cho một Công ty tư vấn du học ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội – có một cô con gái lên 8 tuổi, đang theo học tại Trung tâm ngoại ngữ Apolo. Lúc nào đến công ty Hà cũng kể rất hăng về cô con gái mình, “mới đi học mà đã hát được nhiều bài hát tiếng Anh, nói chuyện thoải mái với các bạn cùng lớp học tiếng”, khiến mọi người trong phòng đều rất nể. Bữa đó, vợ chồng Oanh đưa con trai 6 tuổi của mình sang để làm quen và học hỏi kinh nghiệm, không ngờ gặp phải tình huống như vậy.
“Sau bài Happy birthday, tôi hỏi cháu còn thuộc bài nào nữa thì cháu nói không biết. Lúc đó nhìn mặt cô bạn cứ đỏ dần lên nên vợ chồng tôi chỉ bấm bụng cười với nhau. Lúc hỏi nhỏ cháu mới hay vợ chồng Hà dạy mãi cháu mới thuộc được bài hát này để hôm nay trình diễn cho tôi xem”, chị Oanh kể lại.
Anh Huy, 37 tuổi, nhà ở phố Nguyễn Du cũng rơi vào tình huống “há miệng mắc quai” tương tự. Hiền Anh – con gái anh đang học lớp 11, đi đến đâu anh cũng khoe cháu học rất giỏi toán, lý hóa. Anh thường nói: “Các đề thi đại học khối A cháu đều giải được hết mà lúc nào cũng đạt điểm số cao. Các thầy cô giáo ai cũng khen. Chúng tôi đang hướng cho cháu đi du học”. Tưởng con gái anh Huy học giỏi thật, một bữa nọ có anh đồng nghiệp đến chơi, nhờ giải hộ mấy đề toán lớp 11 cho con trai, Hiền Anh loay hoay mãi cũng không xong.
Biết ở công ty bố hay tâng bốc mình nên Hiền Anh càng trở nên rụt rè khi tiếp xúc với mọi người. “Cháu rất căng thẳng vì tự biết mình không giỏi được như bố nói”, cô bé tâm sự.
Cũng có bố mẹ thích “nổ” như Hiền Anh, nhưng Thanh Thủy, quê ở Hưng Yên, sinh viên năm nhất trường Đại học Ngoại thương Hà Nội còn gặp phải tình huống “muốn độn thổ luôn cho rồi”.
Đạt số điểm khá cao vào Đại học Ngoại thương, Thủy khiến bố sung sướng và hãnh diện ra mặt, đi đến đâu ông cũng ca ngợi cô con gái rượu bằng những mỹ từ khiến Thủy ban đầu cũng cảm thấy hạnh phúc vì đã đem lại niềm vui cho bố. Nhưng sau đó, cô dần bực bội vì mức độ “nổ” của bố có dấu hiệu tăng dần đều, khi ông cố tình thêu dệt nên những thành tích chưa bao giờ có trong học bạ của Thủy như “giải nhì tỉnh, đạt giải ba quốc gia, được tuyển thẳng vẫn không thích nên quay ra ôn thi đại học”, hoặc vẽ ra những câu chuyện kiểu như “26 điểm là do chưa làm hết sức thôi, nếu sáng thi toán không đau đầu, chiều thi lý không bị đau bụng chắc cháu làm tốt hơn nhiều”.
Thủy kể: “Lại có một lần, bố em đến nhà một người bạn cũng có con học cùng trường chuyên với em, bố em cứ thao thao nào em là đứa giỏi nhất của lớp chuyên lý, được đi thi giải này, giải kia, được thầy giáo chủ nhiệm coi như con đẻ, còn về tận nhà chúc em thi tốt… Cô bạn kia không chơi thân với em nhưng thừa biết em không phải là gương mặt sáng giá nhất của chuyên lý Hưng Yên”. Chuyện loang ra, khiến Thủy một thời gian dài sau đó ít dám đi đâu vì xấu hổ.
Minh Tiến, học sinh lớp 8A Trường Trung học Cơ sở Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, cũng rơi vào trường hợp dở khóc dở cười tương tự.
Mẹ Tiến làm ở một công ty tổ chức sự kiện, sẵn tính hay khoe, đi đến đâu cũng kể “con trai mình vẽ đẹp, có nhiều tài lẻ lắm”, “cháu nó đang theo học đàn ghi ta, cháu đàn hay lắm, mình nghe mà cũng thấy giỏi”, hay “cháu nhà chị vẽ đẹp lắm, có lần còn được giải nhất trong cuộc thi vẽ tranh ở trường nữa đấy”.
Cậu bé rất ngại mỗi lần thấy mẹ nói thế, vì em chỉ thích nên học vẽ học đàn cho vui thôi, chứ giỏi thì chưa đến lượt.
Tiến nhăn nhó kể: “Tháng trước công ty mẹ tổ chức sự kiện trung thu cho các em nhỏ mồ côi nên cần người vẽ những bức tranh con nít để trang trí sân khấu. Em loay hoay mãi cũng không vẽ xong một bức vì em mới học mấy bước căn bản chứ đã vẽ thật sự được bức tranh nào đâu. Sợ không kịp, bố mẹ đành phải nhờ mấy cô giáo mầm non gần nhà thuê làm giúp. Đã vậy rồi mà khi có người khen tranh, mẹ vẫn tỏ ra hãnh diện lắm, trong khi em thấy xấu hổ vô cùng”.
Tiến còn kể thêm, lúc đến phần thi vẽ tranh của các bạn nhỏ, “bức tranh của em vẽ trông nham nhở và còn thua kém xa so với các bạn. Mọi người có vẻ thắc mắc thì mẹ nói tại tay em đang bị đau. Lúc đó em chỉ muốn chạy ngay ra khỏi nơi đấy, hét lên với mẹ rằng ‘mẹ thật quá đáng’. Từ lần sau em sợ không đi đâu cùng mẹ nữa”.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Cẩm Linh, Trung tâm Tư vấn Truyền thông SKSS và Phát triển cộng đồng: “Làm cha mẹ nên cẩn trọng khi đem con cái ra làm chủ đề cho những cuộc nói chuyện, những lời khoe con quá mức sẽ làm lệch định hướng phát triển tâm lý của trẻ, khiến chúng không biết tự đánh giá đúng bản thân, sẽ có nhiều ảo tưởng về khả năng của mình. Cũng có thể chúng hiểu những gì bố mẹ nói là không đúng sự thật, điều này sẽ dẫn đến sự mất tự tin trong cuộc sống, hoặc trẻ sẽ tìm mọi cách, kể cả tiêu cực, để đạt được những điều cha mẹ mong muốn”.
“Cha mẹ tự hào về con cái của mình là chuyện đương nhiên, nhưng đừng bao giờ vượt quá giới hạn, thổi phồng con cái lên để thỏa mãn cái tôi của chính mình. Dù vô tình hay hữu ý thì việc khoe khoang thái quá ấy cũng tạo nên nhiều áp lực và phiền phức cho chính con cái họ”, bà Cẩm Linh khuyến cáo.