Bước chân vào nhà, Lan Anh, gia sư cho một cậu bé lớp 5, đã thấy học trò của mình mắt đỏ hoe, thẫn thờ trước đống bài vở. Chìa lịch học kín đặc cho cô giáo, cậu bé òa lên khóc và bảo “em thèm ngủ lắm chị ơi!”.
Xem lịch học, lịch thi kín đặc của cậu bé cuối cấp tiểu học mà Lan Anh (sinh viên khoa Toán, đại học KHTN, Hà Nội) cũng giật mình vì có quá nhiều môn, từ Giáo Dục Công dân, Kỹ thuật, Lịch sử, Địa lý, Văn- Tiếng Việt, Toán, Anh…, trong khi cậu bé hầu như không còn thời gian rảnh để “nuốt trôi” các môn đó, bởi còn bận chạy “sô” giữa các buổi học chính khóa, học thêm, rồi lại học phụ đạo tại gia.
Mẹ của Hưng làm nghề PR, thường có những chuyến đi dài ngày, nên cách mà chị lo cho việc học của con là thuê gia sư về nhà, và hỏi tình hình học tập của con qua gia sư. Nhưng thực tế, do thiếu ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ, cậu bé không học thuộc và làm hết bài vở, nên tình hình học tập vẫn dậm chân tại chỗ. Thậm chí lần họp phụ huynh gần đây nhất, cô giáo thông báo Hưng xếp thứ 32 trong tổng số 38 học sinh của lớp.
Tình cảnh học sinh cấp 1-2 đã phải đôn đáo đi học hết lớp này, trung tâm nọ khiến các gia sư cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Kể về cô học trò của mình tên Trang, học lớp 7 tại một trường công ở quận Ba Đình, Diệu Anh (sinh viên năm 2, đại học Văn Hóa) cho biết cô bé này thường xuyên kêu buồn ngủ. “Cả này đi học ở trường, sáng 5 tiết, chiều 4 tiết, nên ăn cơm tối xong em chỉ muốn đi ngủ luôn”, Trang bảo. Chưa hết, cứ rảnh buổi nào trong tuần thì y như rằng có gia sư đến. Có bữa học thêm ở nhà từ 8 đến 10 giờ sáng, sau đó Trang ăn cơm rồi đi học chiều luôn, không hề có thời gian nghỉ trưa.
Tương tự như thế, Thanh Đan, học sinh lớp 8, trường THCS Cát Linh, cũng có một thời khóa biểu kín đặc do mẹ sắp xếp. Chủ nhật đi học tiếng Anh ở Hội Đồng Anh, các ngày trong tuần không được nghỉ buổi nào. “Em buồn ngủ lắm, học đến 10 giờ là không vào nữa nhưng mẹ cứ bắt ngồi đến 11h đêm mới cho đi ngủ”.
Đấy là chuyện ngày thường, còn đến giáp kỳ thi thì việc tăng ca, tăng giờ là hiển nhiên. Các gia sư bị đốc thúc làm sao để học trò có điểm số cao, thậm chí phụ huynh khuyên gia sư nên làm văn mẫu cho học trò, để con học thuộc trước khi đi thi.
Duyên, sinh viên năm 3 Khoa Văn, đại học KHXH &NV Hà Nội, kể lại: “Thông thường một ca dạy là 2 tiếng, nhưng đến kỳ thi mẹ của học sinh đề nghị mình dạy thêm một tiếng nữa và sẽ tăng tiền, để mình có thời gian cho học sinh học thuộc cả 4 bài tập làm văn!”.
Cậu học trò quá mệt bởi lịch ôn trên trường và bây giờ lại đến lịch ôn ở nhà. “Lát một nó lại xin ra ngoài rửa mặt để tỉnh ngủ”, Duyên nói. Và dù đã được kèm rất cẩn thận nhưng cuối cùng môn Văn – tiếng Việt của cậu học trò vẫn chỉ đạt 6 điểm.
Còn Thảo, sinh viên năm 3 Đại học sư phạm I, vẫn nhớ mãi lời nhắc của một phụ huynh học sinh mà cô làm gia sư: “Con cứ ôn kỹ cho em phần tập làm văn, bắt nó học thuộc hết đi để vào phòng thi viết cho nhanh, lần thi cuối kỳ này phải được 8 điểm thì mới kéo điểm văn lên được” .
Điểm cao đâu chưa thấy, nhưng hầu hết các em học sinh trong những trường hợp này đều rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ, thiếu ngủ triền miên, mệt mỏi và bực tức với cha mẹ.
“Hãy để cho trẻ khoảng thời gian tự học và giải trí” là lời tư vấn của Tiến sĩ Ngô Thanh Loan, chuyên gia tâm lý giáo dục, thuộc Trung tâm tư vấn tâm lý tổng đài 1088.
Theo bà Loan, cần có một sự cân bằng trong sinh hoạt thì mới có hiệu quả trong việc làm. Nếu cứ bắt các em vùi đầu triền miên trong những lịch học kín đặc sẽ dẫn đến bị stress mà không giải tỏa được.
“Để đến mức trẻ bật khóc chứng tỏ bố mẹ đã bỏ qua những suy nghĩ và ý kiến của trẻ. Điều đó rất nguy hiểm, nó sẽ gây ra thái độ học chống đối, ngồi ở bàn học nhưng chỉ đợi đến giờ đi ngủ, ngồi học với gia sư cho đủ giờ… và hậu quả tất nhiên là các bậc cha mẹ tốn nhiều tiền, trẻ tốn thời gian mà hiệu quả học tập lại không cao, thậm chí còn đẩy các em vào tình trạng trầm cảm, hoặc nhập viện vì không đủ sức khỏe”, bà Loan nói.