Ngay từ lúc mới mang thai em bé, mẹ chồng Hoà đã giành lấy mọi việc nhà để con dâu “yên tâm” sinh con khoẻ mạnh. Sau sinh, Hoà cũng chỉ việc nằm một chỗ, có cơm bưng, nước rót tận nơi.
“Giống như cấm cung” – chị Minh Hoà (Phương Mai, Hà Nội) vẫn chưa hết cảm giác rùng mình với 30 ngày ở cữ.
Trong 30 ngày đó, đều như vắt chanh, mỗi ngày 4 bữa cháo móng giò, 3 bữa cơm thịt rim, rau ngót, những bữa phụ, đặc biệt không được bước xuống giường và vô số thứ phải kiêng, chị Minh Hoà (Phương Mai, Hà Nội) đến giờ vẫn chưa hết cảm giác rùng mình với 30 ngày ở cữ.
“Nhọc nhằn” chuyện ăn, uống
Ngay từ lúc mới mang thai em bé, mẹ chồng Hoà đã giành lấy mọi việc nhà để con dâu “yên tâm” sinh con khoẻ mạnh. Sau sinh, Hoà cũng chỉ việc nằm một chỗ, có cơm bưng, nước rót tận nơi.
Ngay từ ngày đầu tiên xuất viện, bà mẹ chồng đã đưa cho Hoà danh sách những thức ăn cần phải kiêng, dài dằng dặc, đọc không hết. Lo “mẹ thằng Mít” quên, bà còn cẩn thận dán lên đầu giường.
Mấy ngày đầu, Hoà vui vẻ đánh sạch 4 bát cháo móng giò, đều đặn 3 bữa cơm canh nhạt. Nhưng đến ngày thứ 5 thì Hoà bắt đầu lờm lợm cổ họng. Cô đề nghị giảm xuống 1 bát cháo, nhưng không được. Nghĩ đến con, không dám trái lời mẹ, Hoà đành nhắm mắt như bị tra tấn, vừa ăn mà nước mắt, nước mũi giàn giụa. Thỉnh thoảng, Hoà cũng được mẹ chồng đổi món, thay cháo móng giò lợn bằng móng giò… chó. Cực chẳng đã, Hoà ngấm ngầm gọi điện cho chị gái “cứu viện”.
Khổ nỗi, ai đến thăm đều phải qua “cửa ải” mẹ chồng, món ăn chị gái mang đúng vào món bà cụ kiêng. “Đúng là hạ sách, sau đận đó, bà nội còn tỏ ra trách dỗi!”, chị Hòa kể.
“Chẳng hiểu sao các cụ kiêng nhiều thế!”, Hạnh, nhân viên trực tổng đài điện thoại than vãn. “Tôm, cua, ghẹ, các loại cá tanh vốn là món khoái khẩu của em thì bà cụ cấm tiệt, với lý do sợ cháu bà đau bụng và mẹ bị hậu sản. Em nghĩ đồ ăn của mình còn hấp thụ đủ kiểu rồi mới làm ra sữa, chẳng nhẽ hấp thụ để tái tạo máu thì máu cũng tanh à? Chồng em góp ý chỉ cần kiêng chua, cay còn lại ăn hết, mẹ em lại gạt đi. Thế là trong nhà em loạn lên kiêng hay không kiêng. Mở miệng ra các cụ lại bảo: Rồi sau này mới biết! Thế nên không ai dám chống lệnh. Lỡ sau này có bị làm sao thì lại mang tội “trứng khôn hơn vịt”, Hạnh ấm ức kể.
Oái oăm nhất vẫn là trường hợp của Hà Dương (Phủ Lý- Hà Nam), vì hiếm ai phải nhập viện bất đắc dĩ như chị. Số là nhà chị bắt ăn kiêng nhiều quá, hết thịt lợn nạc, rau ngót luộc rồi đến cá kho mặn chát, đến cả hoa quả cũng kiêng nốt. Cái “lý” của “các cụ” là để chị khát nước mà uống nhiều nước cho… có sữa. Ngày nào cũng như vậy, chị cứ nhìn thấy mâm cơm mẹ bê lên là lại lao vào nhà vệ sinh nôn ọe, dù chưa ăn được miếng nào. Đến lúc chị bị táo bón, mất sữa, em bé bị ốm yếu, phải vào viện, bà nội mới chịu “xuống nước”, để chị được ăn theo thực đơn bác sĩ kê cho.
“Căng thẳng” chuyện ngủ, nghỉ
Không chỉ cơm bưng, nước rót ngay tại giường, mọi sinh hoạt của nhiều “bà đẻ” cùng diễn ra trên “chiến trận” này.
Sinh con vào tháng 8 âm, khi cái nóng của mùa hè còn chưa bớt, mẹ chị Lam Khánh đã chuẩn bị sẵn cho cô một nồi than bồ kết dưới gầm giường. Đêm ngày nồi than đỏ hồng, lại thêm bà trẻ vốn mát tay nuôi con đến thăm góp ý thêm: Nên xông nghệ, ngải cứu nướng trên than hoa cho co khít các lỗ chân lông và… sáng mắt. Phòng ngủ của cô ngày nào cũng hầm hập nóng và nồng. Mẹ con Khánh lúc nào cũng trong tình trạng mồ hôi nhễ nhại trong bộ quần áo kín mít từ đầu đến chân.
Lan là nhân viên văn phòng. Ngày sinh con, mẹ chồng cô tất tả bỏ việc đồng áng từ quê (Kiến Xương – Thái Bình) lên Hà Nội chăm cháu đích tôn. Thương con, thương cháu, bao nhiêu kinh nghiệm “ngàn đời” nuôi con bà truyền hết cho con dâu. Sinh con đầu lòng, nên Lan răm rắp nghe lời mẹ.
Kiêng nắng, kiêng gió, kiêng ăn, Lan làm được. Chỉ có điều, bà nội yêu cầu Lan không ra khỏi phòng ít nhất hết tháng đầu tiên. Không làm bất cứ việc gì ngoài cho con bú, kể cả vắt khăn để tay chân đỡ cử động nhiều, hạn chế đứng “để sau này già đỡ đau lưng”. Tuy nhiên, gần hết thời gian ở cữ, Lan bị sốt, mất sữa phải vào viện điều trị kháng sinh liều cao. Bác sĩ cho biết, Lan bị sốt do sản dịch bị ứ, không ra hết do không vận động, cơ thể không phục hồi được.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y tế lao động – Hà Nội): Không thiếu những trường hợp bà đẻ phải nhập viện trong tình trạng trầm cảm sau sinh do suốt thời gian ở cữ phải nằm trong nhà, luẩn quẩn trên giường, với 4 bức tường và một đứa bé. “Những kiêng kỵ dân gian trong thời gian ở cữ có ý nghĩa nhân văn riêng. Nhưng đây không phải là hệ thống bài bản, không có cơ sở khoa học. Nhiều khi nó trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều sản phụ trẻ nếu được áp dụng thái quá” – BS. Kim Dung cho hay.
Đồng quan điểm này, TS, BS Vũ Thị Bắc Hà – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay: Đúng là sau sinh có một số thực phẩm không nên sử dụng, nhưng cũng không vì thế mà “đoạn tuyệt” với các thực phẩm này, ví dụ thực phẩm lợi tiểu (rau cải, canh chua…).
Sau khi phục hồi sức khoẻ, các bà bầu hoàn toàn có thể ăn các loại thức ăn mình thích. Việc kiêng thái quá có thể gây ra tình trạng dù chất dinh dưỡng trong thức ăn đủ nhưng thiếu nước trầm trọng. Điều này cũng có thể gây mất sữa, táo bón. Để mẹ khỏe và có nhiều sữa cho con, bạn có thể ăn đa dạng theo nhu cầu, sở thích, chỉ cần đảm bảo thực phẩm tươi, chế biến chín và giàu dưỡng chất.
“Nếu tâm lý khi ăn không thoải mái, việc hấp thu thức ăn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì thế, bà mẹ không nên nhắm mắt nhắm mũi ăn liều thức ăn mà mình không thích” – TS. Bắc Hà bày tỏ quan điểm.
Trên thực tế, nhiều chị em dù rất hiểu biết nhưng vẫn không dám làm trái với kinh nghiệm “các cụ”, sợ bị mất lòng. Theo các bác sĩ, nếu biết điều gì chắc chắn đúng, hãy thuyết phục người thân bằng cơ sở khoa học, đừng để vì “kinh nghiệm gia truyền” mà làm hại đến sức khoẻ bản thân và con bạn. “Điều quan trọng là bạn đừng quá ỷ lại vào sự chăm sóc của người khác để phải nhắm mắt làm theo mọi lời áp đặt”. BS. Kim Dung |