“Em ơi, múc nhanh nhanh cho cháu một bát cháo với đập vào đấy hai quả luôn cho cháu ăn để còn đi học”, Chị Hạnh vừa dắt xe vừa giục người bán hàng.
Hóa ra chị vừa đi đón con trai học lớp 2 về, đang dừng lại cho con ăn tạm cái gì đấy để đưa con đi học đàn ở nhà thấy giáo ngay cho kịp giờ. Chị kể “Bây giờ trẻ con là phải giỏi, phải biết nhiều chứ ở thành phố mà chỉ đi học ở trường không thì hàng xóm họ cười chết, lại nói mình là quê mùa”.
Chị còn nói, khu tập thể mà nhà chị ở có khá nhiều bọn trẻ con. Ngay từ lúc mới học mẫu giáo đã đưa con đi học múa, học đàn, hát,… lớn hơn thì bắt đầu học võ, học tiếng Anh, tiếng Pháp. Rồi đua nhau cho con đi thi bé khỏe, bé ngoan. Có cuộc thi nào của đài truyền hình, phát thanh mà giành cho trẻ con là phải tìm cách cho con đi thi bằng được. “Cháu nhà tôi cũng vừa đoạt giải nhì cuộc thi bé khỏe, bé ngoan do quận Thanh Xuân tổ chức đấy”, chị kể lại với niềm hãnh diện, tự hào về đứa con trai lên 8 tuổi của mình.
Nguyễn Huyền (19 tuổi), hiện đang là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Thương mại Hà Nội cũng tâm sự: “nhìn cháu mình hôm nào cũng phải đi học từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối mới được về mà thấy thương”. Cô kể chị gái và anh rể lúc nào gặp mọi người cũng khoe “con gái tôi được đi thi Đồ rê mí rồi, lần này phải quyết tâm luyện tập cho cháu để cháu đoạt giải mới được”. Vậy là anh chị Huyền không ngại phải xin nghỉ việc ở cơ quan để đưa đón cháu đi học thêm piano, luyện giọng, học nhảy, học cách giao tiếp với bạn bè xung quanh…, ngay cả khi về đến nhà rồi vẫn còn dạy thêm cả cách cười sao cho có duyên nhất nữa.
Hãy để việc đến trường là niềm vui của trẻ.
Theo lời Huyền kể thì có lần cô cháu của mình kêu mệt muốn xin bố mẹ cho nghỉ một hôm học đàn thì nó lại bị bố mẹ mắng cho vì tội lười học, không biết thương bố mẹ, vậy là chị lại đưa con đi học dù mặt nó nhăn nhó và có phần hơi nóng. “Hôm đó đang ngồi đợi con ở ngoài thì thầy giáo của bé Mi chạy ra nói cháu bị ngất nên bảo chị đưa cháu vào bệnh viện. Nó mê sảng suốt một đêm, cứ thỉnh thoảng lại lẩm bẩm “cho con nghỉ học một hôm mẹ nhé”, lúc đấy anh chị tôi mới nhìn nhau dở mếu, dở khóc”.
Không ít những trường hợp bố mẹ muốn con cái mình phải thật giỏi, không chỉ để bằng bạn, bằng bè mà còn phải hơn bạn bè của cả con mình và cũng là của mình nữa. Và họ lên một kế hoạch làm sao cho con mình phải thật hoàn hảo trong mắt mọi người. “Không chỉ được khen là trông cháu nhà anh chị dễ thương quá, ngoan quá mà con phải để mọi người trầm trồ, mới bé thế mà nói tiếng anh hay quá, đàn giỏi quá, múa đẹp quá… Lúc ấy mới thấy sung sướng, nuôi con vậy mới đã”, Anh Thịnh (38 tuổi), nhân viên kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu ở quân Hoàng Mai, Hà Nội tự hào khi nhắc về cô con gái rượu mới mười một tuổi mình.
Anh Thịnh kể rằng để có được những thành tích đẹp như vậy là nhờ vợ chồng anh đã không ngại bỏ tiền bạc và công sức ra để giành hết cho cô con gái rượu. Vì gia đình cũng rất có điều kiện, lại mới phải nuôi một đứa con nên ngay từ khi bé Trâm Anh (tên con gái anh) còn rất bé đã được thuê bảo mẫu và nhờ các thầy cô đến tận nhà để kèm con gái mình. Vậy là anh chị vừa nhàn mà lại còn giám sát được xem con gái mình học thế nào nữa.
“Cũng có hôm đang học nó kêu đau bụng ầm ĩ, vợ chồng tôi vội vàng đưa cháu đi khám, thấy sức bụng dạ vẫn tốt. bác sĩ thì bảo không sao, con bé thì cứ kêu mãi. Những ngày sau thì bắt kiểu gì cũng không chịu ra khỏi phòng ăn uống và đi học, chỉ nằm trong phòng không chịu nói chuyện với ai. Vợ tôi lo quá gọi hỏi mấy người bạn nên làm thế nào thì được khuyên là nên đưa cháu đi bác sĩ tâm lý xem sao”
Sau lần ấy vợ chồng họ mới biết con gái mình đang trong giai đoạn đầu của căn bệnh trầm cảm, một căn bệnh mà trẻ con hiện nay rất dễ mắc phải, do bị áp lực tâm lý.
Cha mẹ hãy tôn trọng và thương yêu con mình thật sự chứ đừng vì để hãnh diện với mọi người mà ép buộc con. Hãy lắng nghe nguyện vọng của con, đừng để sau này họ lại mất đi chính những đứa con của mình.