Một nghiên cứu đối với trẻ em sống tại Washington, D.C đăng trên tạp chí y học Therapeutic Drug Monitoring của Mỹ mới đây cho biết thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng rộng rãi để diệt các loài gây hại quanh nhà của các hộ gia đình có thể là nguyên nhân gây ra một loại bệnh ung thư ở trẻ em hiện nay.
Theo nghiên cứu này, trẻ em bị mắc bệnh máu trắng và mẹ của họ có hàm lượng chất phốt pho hữu cơ (Organophosphates), thành phần chính của thuốc bảo vệ thực vật thuốc trừ sâu – ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người) có trong nước tiểu cao hơn so với các cặp mẹ con khỏe mạnh, đồng thời, những bà mẹ làm nội trợ có con bị máu trắng nhiều hơn.
Đây không phải là bằng chứng nói lên rằng thuốc bảo vệ thực vật là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư, nhưng theo các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Kiến thức Ung thư Lombardi, Đại học Georgetown thì mối liên hệ này rất gần gũi.
Bà Offie Soldin, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, ít nhất 85% hộ gia đình trong khu vực khảo sát có sử dụng các loại hóa chất diệt cỏ, côn trùng, nhưng không phải tất cả những đứa trẻ sống ở các hộ này đều bị ung thư. Điều mà nghiên cứu muốn đề cập đến là mối liên hệ giữa chất bảo vệ thực vật và căn bệnh máu trắng ở trẻ em. Nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng trẻ em có thể bị nhiễm độc từ khi còn trong bụng mẹ hoặc sau khi sinh do tác động bởi môi trường xung quanh.
Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng khá rộng rãi ở các hộ gia đình có vườn, nông trại…, nên luôn tồn tại nguy cơ phơi nhiễm các hoá chất này, đặc biệt ở trẻ em. Hóa chất có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não và các cơ quan khác, hoặc phá vỡ hoóc môn ở những giai đoạn phát triển then chốt ở trẻ. Liều lượng hóa chất quá nhiều cũng là một nguy hại, bởi cơ thể trẻ nhỏ hơn nhiều so với người trưởng thành, và nhịp thở của chúng cũng nhanh hơn rất nhiều. Với thói quen hiếu động, tò mò, thích khám phá và chưa biết giữ vệ sinh của trẻ chất độc hại rất dễ xâm nhập vào cơ thể.
Về vấn đề này, một nghiên cứu sức khỏe khác cũng đã kết luận rằng, trẻ em dễ nhiễm độc từ hóa chất hơn người lớn do chúng chưa hình thành một loại enzim có thể phá vỡ độc tố như ở người trưởng thành.
Vậy làm thế nào để giúp trẻ em không bị nhiễm độc từ chất bảo vệ thực vật? Tốt nhất là các bậc ông bà, cha mẹ trong gia đình, các trường học hãy tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chống côn trùng ở nhà hoặc ngoài trời, tìm kiếm các chế phầm tự nhiên thay thế, đồng thời nên tránh ăn thức ăn có nguy cơ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và chọn ăn các loại rau sạch nhiều nhất có thể.