Mới đây, làm một cuộc khảo sát bỏ túi về các chương trình truyền hình yêu thích của trẻ em, chúng tôi bất ngờ nhận thấy, một trong các chương trình được trẻ yêu thích là… quảng cáo!
Một điểm dễ nhận thấy ở các mẩu quảng cáo là có nhiều đoạn hội thoại vui vẻ, dí dỏm, những câu slogan ấn tượng, hình ảnh vui tươi, sinh động. Từ thực tế này, vấn đề đặt ra là chúng ta có thể dùng quảng cáo để giáo dục trẻ không?
Tích cực hơn sau khi xem quảng cáo…
Chị Lệ Phương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể, con chị – bé Phong Linh (năm tuổi) hay đòi mua những thứ nhiều khi nó chẳng chơi, chẳng ăn được. Không chiều thì bé nài nỉ, khóc lóc, nhưng chiều con, chị mua rồi cũng bỏ phí. Biết Phong Linh thích xem quảng cáo, từ mẩu quảng cáo của Quỹ uống sữa Việt Nam, chị đã mượn câu chuyện Giàng A Tống “đã 10 tuổi mà thấp hơn cây chuối con trước nhà” để khuyên bé: “Con thấy anh Giàng A Tống tội nghiệp không? Con phải tiết kiệm các chi tiêu không cần thiết để giúp anh nhé”. Từ đó trở đi, cứ mỗi lần bé đòi mua gì không cần thiết là chị lại đưa chuyện Giàng A Tống ra nhắc.
Chúng ta có thể dùng quảng cáo để giáo dục trẻ không?
Là mẹ của hai bé trai bốn tuổi và bảy tuổi, chị Quyên Vy (Q.11, TP.HCM) tâm sự: “Là con trai nên các bé hiếu thắng lắm, cái gì cũng giành nhau và tranh giành cho bằng được”. Một hôm, cả gia đình cùng xem truyền hình có mẩu quảng cáo Chocopie, chị đã phân tích cho hai bé thấy được bài học về sự nhường nhịn: “Các con thấy chưa, cụ già biết hai đứa bé thích Chocopie nên đã nhường phần của mình. Rồi hai đứa bé vì yêu thương nhau đã nhường cho nhau phần bánh đó. Các con hãy học cách cư xử của bạn nhé”. Sau lần phân tích đó, “chiến tranh” giữa hai bé đã giảm được rất nhiều.
Dạy con từ những câu “slogan”
Nhiều câu slogan trong quảng cáo khá súc tính, nhiều ẩn ý và dễ nhớ. Gặp những mẩu quảng cáo như vậy, người đầu tiên mà trẻ tìm đến để “tầm sư học đạo” là các bậc phụ huynh.
Anh Tuấn Huy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tự nhận mình là “tổng đài 1088 cho hai đứa con. Trung bình mỗi ngày tôi giải đáp trên 10 câu hỏi tại sao – trong đó nhiều nhất là các câu hỏi về các mẩu quảng cáo”. Anh chia sẻ kinh nghiệm: “Lúc đầu tôi giải đáp ngay các câu hỏi của bé nhưng sau, tôi “chuyền quả bóng” cho hai chị em để chúng tranh luận. Nhờ thế, khả năng tư duy của trẻ được phát triển. Dần dần, tôi chỉ đóng vai “trọng tài” đưa ra phán quyết sau cùng thôi”.
Là một giáo viên nên anh Trung Cần xem những thắc mắc của con là một cơ hội để giúp chúng làm quen với những suy luận logic. Vì thế, khi con thắc mắc về các câu slogan “Tiệc của trăm năm” (nhà hàng Sinh Đôi), “Cao hơn – nhanh hơn – xa hơn…” (Học viện NIIT)… Ảnh hưởng gen của bố mẹ nên con gái của chị Thanh Bình có chiều cao khá khiêm tốn. Biết con hay mặc cảm về việc này, chị vừa khuyên con, vừa đùa rằng: “Có thể bạn không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn!” (slogan của bia Sài Gòn). Không ngờ chính câu slogan đó đã làm thay đổi suy nghĩ của con gái chị, cô bé đã vui vẻ và sống tích cực hơn.
Nhiều người vẫn khá dè chừng với các mẩu quảng cáo vì xem đó là những lời không thực tế, phóng đại… nhưng nếu phụ huynh biết “nương” vào đó để tìm ra cách hướng trẻ đến điều tích cực thì trẻ sẽ dễ tiếp thu hơn và việc giáo dục con cũng bớt đi sự khô cứng, giáo điều. Đây cũng là vấn đề cho các doanh nghiệp và các công ty truyền thông quảng cáo: phải làm sao để có được những “kịch bản” quảng cáo hay, có ý nghĩa giáo dục chứ không chỉ quảng bá sản phẩm mà bỏ qua tính nhân văn.