Chỉ có 50 giường bệnh nhưng lúc nào ở Khoa Ung thư nhi của BV Ung bướu TPHCM cũng thường trực hơn 200 bệnh nhi.
Một bệnh nhi đang điều trị ở Khoa Nội Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Khoa Ung thư Nhi vốn đã chật chội, nay lại ngột ngạt hơn bởi 170 bệnh nhi bị ung thư các loại phải chen chúc nằm trong 5 căn phòng chưa đầy 20m2. Ngoài hành lang là nơi “trú ngụ” của hàng trăm thân nhân nuôi bệnh khiến cho khoa này quá tải trầm trọng.
Chị Hoàng Thị Hồng ở Bình Dương có con đang nằm điều trị ung thư bướu nguyên bào thận, cho biết đã “sống chung” với tình trạng này hơn 3 tháng nay. Theo chị Hồng, quá tải phòng bệnh không phải nỗi khổ lớn nhất mà chính là quá tải ở… nhà vệ sinh, do thân nhân bệnh nhi quá đông.
Bác sĩ Trần Chánh Khương- Trưởng khoa Nội nhi BV Ung bướu TPHCM cho biết, bệnh ung thư dù chiếm tỷ lệ 1 – 2% trên tổng số các dạng ung thư nhưng đã chiếm hơn 10% tử vong ở trẻ. Theo bác sĩ Khương, sau một năm hoạt động (năm 2001), khoa đã tiếp nhận gần 600 trẻ ung thư các loại nhập viện. Con số này hiện tăng gần gấp đôi. 2/3 số ca ung thư được chuyển từ các tỉnh đến.
“Các loại ung thư ở trẻ gặp nhiều nhất là bạch cầu cấp, bướu não và bướu nguyên bào thần kinh. Gần đây ung thư máu và mắt ở trẻ em cũng tăng lên đáng báo động” – Bác sĩ Khương cho hay.
Theo thống kê của BV Mắt TPHCM, 5 năm qua, ung thư mắt ở trẻ tăng gấp đôi, tập trung là bướu nguyên bào võng mạc, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi. Đây là bệnh ác tính đứng thứ tư trong các dạng ung thư thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Ghi nhận từ 1990 – 1998, trung bình có 27 trường hợp/năm, nhưng từ tháng 9-1999 đến 9-2001 có 84 trường hợp, trung bình mỗi năm có 42 trường hợp. Đến năm 2006, số trẻ em bị bướu nguyên bào võng mạc là 89, tăng hai lần so với năm 2001 và hiện nay số trẻ bị ung thư này đã tăng bốn lần.
Ung thư máu ở trẻ cũng xuất hiện với tần suất ngày càng tăng, nhiều nhất ở bệnh nhi 2 – 5 tuổi. Hiện vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác gây bệnh, tuy nhiên nguy cơ sẽ cao hơn ở phụ nữ mang thai thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại như benzene hoặc tia phóng xạ. Theo các bác sĩ, chỉ 8 – 10% bệnh nhân có điều kiện chấp hành phác đồ điều trị đầy đủ nên khi trẻ nhập viện thì đã quá muộn.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 0,5 đến 3% bệnh lý ác tính ở trẻ em, và chiếm 7% số trường hợp ung thư vùng đầu, mặt, cổ của trẻ. Theo bác sĩ Khương, ung thư hàng đầu ở trẻ là bệnh bạch cầu cấp, kế tiếp là bướu ở hệ thần kinh trung ương, bệnh lymphô, bướu nguyên bào thần kinh, bướu nguyên bào thận… Thậm chí tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ còn phát hiện trẻ bị ung thư buồng trứng (chiếm tỉ lệ khoảng 1%) như ở người lớn.