Có rất nhiều mức độ cho việc tĩnh dưỡng của thai phụ. Tốt nhất bạn phải hỏi rõ bác sĩ xem bạn cần “nghỉ ngơi” đến mức nào.
Đa số phụ nữ đều trải qua thai kỳ một cách yên ổn, khoẻ mạnh. Với những người có sức khoẻ bình ổn, các bác sĩ sẽ khuyên không nên nằm một chỗ nhiều mà phải vận động nhẹ nhàng để máu huyết lưu thông và các cơ bắp hoạt động tốt. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp phải hạn chế đi lại, thậm chí bắt buộc nằm yên trên giường trong một thời gian ngắn hoặc suốt cả thai kỳ.
Nếu rơi vào trường hợp đó, thai phụ nào cũng cảm thấy hoang mang và lo sợ. Thai nhi bé bỏng có ổn không? Tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu? Làm sao có thể thoải mái tĩnh dưỡng trong khi còn bao nhiêu việc phải làm, bao đồ đạc phải mua sắm, thậm chí, còn những đứa con khác phải chăm nom? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi đó.
Vì sao bạn phải nằm yên trên giường?
Thông thường cứ năm phụ nữ mang thai thì có một người được bác sĩ yêu cầu tĩnh dưỡng tại giường, với những lý do khác nhau. Trong ba tháng đầu của thai kỳ, yêu cầu đó được đưa ra thường do động thai hoặc xuất huyết doạ sảy thai. Trong ba tháng giữa, nguyên nhân thường là hở eo tử cung doạ sinh non. Trong ba tháng cuối, nguyên nhân phổ biến là nhằm ngăn chặn sự co bóp tử cung (hoặc trong trường hợp mang đa thai) gây sinh sớm. Việc nghỉ ngơi giúp hạn chế tối đa áp lực đè lên cổ tử cung khiến nó mở sớm.
Bạn phải tuân thủ đến mức nào?
Có rất nhiều mức độ cho việc tĩnh dưỡng của thai phụ. Tốt nhất bạn phải hỏi rõ bác sĩ xem bạn cần “nghỉ ngơi” đến mức nào. Đa số được yêu cầu nghỉ ngơi theo nghĩa nghỉ ngơi thư giãn, không vận động mạnh hoặc làm việc căng thẳng, chứ không cần phải nằm yên trên giường suốt ngày. Đi lại nhẹ nhàng và tắm rửa vẫn được cho phép. Trong khi một số trường hợp nghiêm ngặt khác cần phải nằm yên hoàn toàn, thực sự (nghĩa là bạn không được bước chân xuống giường kể cả để vào phòng tắm – nghĩa là phải dùng tã giấy cho người lớn).
Nếu bác sĩ yêu cầu một chế độ nghỉ ngơi nghiêm ngặt, bạn cần có người luôn túc trực bên cạnh. Những thức ăn cần được sắp xếp để trong tầm tay. Nếu có con, bạn cũng không được phép ẵm bế bé. Đây là thách thức lớn nhất với các bà mẹ khi họ buộc phải tĩnh dưỡng. Để chơi với con, hãy sắp xếp để phòng bạn thành phòng chơi của trẻ. Và nếu con bạn có nhu cầu gần gũi mẹ hơn, hãy cho phép bé xoa bóp chân tay bạn bằng dầu mátxa. Bạn cũng thấy dễ chịu mà bé sẽ rất thích thú và thấy mình quan trọng đấy.
Làm sao để vượt qua nỗi lo lắng, cô đơn và trầm cảm
Tìm kiếm sự chia sẻ về cảm xúc. Trò chuyện với bác sĩ, bạn sẽ được trấn an và động viên tinh thần. Hãy lập thời gian biểu và chia ngày ra thành nhiều mục nhỏ: giờ ăn, giờ xem phim, giờ nghe nhạc, giờ chơi với con, giờ đọc sách, giờ uống sữa… Và đừng chờ đợi mọi người tình cờ ghé thăm, hãy gọi cho bạn bè, người thân và mời họ đến chơi, hoặc gọi điện. Hãy xếp lại album ảnh gia đình, học đan móc, vẽ, viết, chơi game…
Còn việc sắm sửa cho em bé thì sao?
Không được đi mua sắm đồ sơ sinh cho con là nỗi thất vọng lớn của những bà mẹ tương lai. May mắn là hiện nay đã có rất nhiều website bán hàng qua mạng cung cấp đủ mọi thứ bạn cần. Những việc khác như trang trí phòng ốc hãy giao lại cho chồng hoặc người nhà của bạn – hay đơn giản là chờ đợi. Trong những tháng đầu mới chào đời, những đứa trẻ sẽ cần tã và ít quần áo, còn lại, nhu cầu ban đầu của chúng rất đơn giản – chỉ là mẹ.
“Chuyện ấy” bị cấm ngặt, làm thế nào để gần gũi chồng nếu không đáp ứng được nhu cầu của anh ấy?
Trước hết, hãy hỏi rõ bác sĩ xem “không được quan hệ” chính xác nghĩa là gì. Đôi khi quan hệ trực tiếp thì không được, nhưng cảm giác thăng hoa không bị ngăn cấm. Kể cả khi cảm giác đó cũng bị cấm thì vẫn có nhiều cách để gần gũi nhau. Vuốt ve, mátxa cho nhau, trò chuyện hoặc những nụ hôn nhẹ nhàng cũng mang lại cảm giác gần gũi và êm đềm.
Những triệu chứng nào cần phải gọi bác sĩ?
Nếu bạn cảm thấy trầm trọng hoặc những triệu chứng khiến bạn phải nằm yên xuất hiện nặng hơn, như là đau bụng, xuất huyết, hoặc những cơn co tử cung đột nhiên mạnh và nhặt hơn (từ sáu lần trong một tiếng đồng hồ). Cũng cần kiểm tra chân bạn thường xuyên xem nó có sưng hoặc đỏ lên không. Tình trạng mang thai đôi khi gây ra chứng huyết khối tĩnh mạch, và việc nằm yên tại giường làm tăng nguy cơ. Để giảm tình trạng đó, yêu cầu chồng bạn mátxa chân một lát. Nếu không đỡ, hãy gọi cho bác sĩ ngay.
Khi nào tình trạng “treo chân” này mới chấm dứt?
Nó phụ thuộc vào nguyên nhân đầu tiên khiến bác sĩ yêu cầu bạn tĩnh dưỡng. Nếu phải tĩnh dưỡng trong ba tháng đầu do động thai, doạ sảy, thường thì đến tháng thứ năm bạn sẽ được đi lại bình thường khi tình trạng xuất huyết chấm dứt, và những dấu hiệu doạ sảy không còn. Với những thai phụ doạ sinh sớm do cổ tử cung, nó phụ thuộc vào đáp ứng của tình trạng cổ tử cung với sự nghỉ ngơi. Nếu bị hở eo tử cung, bạn sẽ được khâu eo tử cung vào khoảng 16 – 20 tuần, sau đó nằm tĩnh dưỡng hoàn toàn khoảng 1 – 2 tuần và tiếp tục hạn chế hoạt động cho đến 37 – 38 tuần. Nếu bị nhau tiền đạo, bạn cần nằm yên đến khi có thể sinh mổ lúc 37 – 38 tuần. Những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ yêu cầu nhập viện để theo dõi.
Thông tin đáng mừng là trong đa số trường hợp được yêu cầu tĩnh dưỡng, nếu làm đúng yêu cầu của bác sĩ, em bé của bạn hầu như sẽ ổn. Dù sao, hãy làm theo yêu cầu của bác sĩ. Kể cả khi bạn cảm thấy mình khoẻ mạnh và có nhu cầu động chân động tay chút ít, cũng đừng làm như vậy. Một số người rất năng động và khó ở yên một chỗ. Nhưng đừng quên rằng nếu bác sĩ yêu cầu bạn nằm yên, nghĩa là điều đó cần thiết cho em bé của bạn. Hãy cố gắng kéo dài thai kỳ càng gần 40 tuần càng tốt cho bé. Với những thai kỳ nhiều nguy cơ, mỗi ngày trôi qua là một ngày chiến thắng.