Dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng trong thai kỳ giúp cho sự phát triển hoàn thiện của bé, tuy nhiên không phải bất cứ loại thực phẩm nào cũng đều tốt cho thai kỳ. Trong quá trình mang thai, những thay đổi trong chuyển hóa và tuần hoàn làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thức ăn và phản ứng của cơ thể trong những trường hợp này sẽ nặng nề hơn.
Ăn cá, tôm bao nhiêu là đủ?
Nhóm thủy hải sản là một trong những nguồn cung cấp chất đạm, sắt và can xi cho mẹ và bé. Acid béo omega-3 trong một số loại cá giúp não bộ của trẻ phát triển và hoàn thiện. Một chế độ ăn thiếu các chất sắt, can xi có trong các loại tôm, cá, cua, ốc,…trong thai kỳ có thể dẫn đến tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn hành vi và các vấn đề về phát triển ở trẻ. Thai phụ có thể ăn khoảng 340 g/tuần các loại như tôm, cá ngừ đóng hộp (giới hạn phi lê cá không quá 170 g/tuần), cá hồi, cá trê, cá tuyết.
Tuy nhiên các thai phụ nên chú ý không nên ăn các loại thủy sản nếu không được đun nấu chín kỹ hoặc được đánh bắt ở những vùng ao hồ bị ô nhiễm hóa chất. Thuỷ sản chứa nhiều thủy ngân hay nhiều chủng loại cá biển và hải sản có vỏ khác (sò, trai, cua, tôm…) có thể chứa một hàm lượng thủy ngân nguy hiểm cho sức khỏe. Nồng độ thủy ngân cao trong chế độ ăn của mẹ có thể làm tổn thương hệ thần kinh đang phát triển của trẻ. Những loại cá càng to và càng già chứa hàm lượng thủy ngân càng cao. Nếu sử dụng các loại thực từ môi trường ô nhiễm thì thai phụ có thể bị nhiễm trùng hoặc nhiễm độc hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe mẹ và bé khi sử dụng trong thai kỳ. Do đó cần tránh sử dụng cá sống và hải sản sống hay các loại hải sản đông lạnh hun khói (có thể sử dụng với điều kiện đã được nấu chín/đóng hộp), các loại cá ở những vùng sông hồ, suối bị ô nhiễm.
Đề phòng ngộ độc do thức ăn nhiễm khuẩn
Trong quá trình mang thai, những thay đổi trong chuyển hóa và tuần hoàn làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thức ăn và phản ứng của cơ thể trong những trường hợp này sẽ nặng nề hơn khi không mang thai, làm cho thai nhi cũng có thể bị ảnh hưởng. Không sử dụng thịt bò và thịt gia cầm nấu tái vì có thể nhiễm vi khuẩn coli, toxoplasma, samonella. Không ăn các thực phẩm bị ôi thiu. Các thực phẩm trước khi ăn phải được đun, nấu kỹ.
Trứng cũng có thể bị nhiễm khuẩn samonella,… nếu chưa được nấu chín, còn tái sẽ chứa mầm bệnh listeria, vi khuẩn này có thể xuyên qua nhau thai gây nhiễm trùng, nhiễm độc huyết thai nhi có thể gây sẩy thai hoặc trẻ chết non. Thai phụ tránh ăn quá nhiều thực phẩm giàu vitamin A, vì thừa vitamin A có thể gây dị tật bẩm sinh ở trẻ. Những thực phẩm tiền vitamin A dồi dào có thể tìm thấy ở các món ăn như: gan, cà rốt, đu đủ, gấc, …Cũng cần tránh các loại rau củ sống, trái cây chưa rửa sạch, trái cây bị hỏng để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Các sản phẩm về sữa phải đảm bảo chất lượng, được kiểm định về an toàn vệ sinh thực phẩm, với các loại sữa tươi phải được tiệt trùng. Khi sử dụng phải lưu ý đên thời hạn ghi trên sản phẩm. Nếu không nó có thể là nguồn lây bệnh, thai phụ sẽ có nguy cơ nhiễm listeria.
Các loại thức uống cần hạn chế
Ngoài các loại thức uống có chất kích thích như rượu, cà phê thì thai phụ cũng nên tránh uống các loại nước có ga, không có tem, mác nhằm hạn chế bị ngộ độc. Cần tránh các loại trà thảo mộc không nên dùng nhiều (trà thảo mộc làm từ lá mâm xôi) có thể gây co thắt tử cung.
Bác sĩ HUỲNH MAI