Mang thai là giai đoạn mà cơ thể người phụ nữ có nhiều sự thay đổi. Bên cạnh niềm hạnh phúc vì “có tin vui”, bạn còn phải chịu đựng nhiều triệu chứng rất khó chịu khi thai nhi dần phát triển.
Buồn nôn vào buổi sáng chỉ mới là bước khởi đầu cho hàng loạt những rắc rối tiếp theo như ợ nóng, căng cơ, rạn da, đau lưng, phù chân và giãn tĩnh mạch, táo bón. Tùy từng thể trạng mà mỗi người có thể gặp một vài hoặc phải chịu đựng tất cả những triệu chứng kể trên.
Sau đây là một số bí quyết giúp bạn đối phó với những rắc rối thường gặp khi mang thai.
1. Xua tan mệt mỏi
– Ngủ trưa mỗi ngày. Ngủ trưa là cách giúp cơ thể nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng để tiếp tục hoạt động cho hết khoảng thời gian còn lại trong ngày. Khi ngủ, bạn nên kê chân cao hơn tim nhằm tránh tạo áp lực lên chân.
– Tập thể dục mỗi ngày. Các động tác thể dục nhẹ nhàng, đi dạo hoặc bơi sẽ giúp bạn có nhiều năng lượng hơn. Tập thể dục thường xuyên còn giúp cho quá trình chuyển dạ và sinh nở diễn ra dễ dàng. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc luyện tập cũng như phương thức tập luyện để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
2. Chữa chứng phù chân
Để giúp máu lưu thông ở chân tốt hơn, bạn có thể ngâm chân bằng nước ấm và nước lạnh thay phiên nhau. Nước nóng giúp máu tập trung nhiều về chân, ngược lại, nước lạnh lại đẩy máu đi khỏi chân nhanh hơn. Hãy chuẩn bị hai chậu nước ngâm chân, một nóng và một lạnh. Ngâm chân vào nước nóng trong 3 phút rồi chuyển sang chậu nước lạnh trong 30 giây. Thay đổi liên tục như vậy khoảng 6 lần. Cuối cùng, ngâm chân vào chậu nước lạnh.
Sau khi ngâm chân, nên nằm nghỉ ít nhất là 10 phút (nhớ kê cao chân).
3. “Tiêu diệt” các cơn ợ nóng
– Sự gia tăng áp lực trong bụng khi đang mang thai có thể đẩy axít của dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra các cơn ợ nóng rất khó chịu. Những loại thuốc giúp làm giảm độ axít trong dạ dày có thể giải quyết rắc rối này. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp.
– Ăn hạt hạnh nhân. Những hợp chất hóa học trong hạnh nhân giúp giữ axít nằm trong dạ dày bằng cách tăng cường sức mạnh của chiếc van đóng mở giữa dạ dày và thực quản. Tuy nhiên, cũng cần chú ý là loại hạt này cung cấp khá nhiều calo, khoảng 10 calo/ hạt. Do vậy, bạn cần từ bỏ những thức ăn giàu calo khác để tránh bị tăng cân quá mức.
– Tránh những thức ăn có thể “nới lỏng” van dạ dày. Danh sách này bao gồm cà phê, đồ chiên xào, nước trái cây có họ cam, quít, bạc hà, những sản phẩm liên quan đồ chua và chất cồn.
4. Đánh bại cơn đau lưng
– Tránh đứng quá lâu, đặc biệt là ở những tháng cuối của thai kỳ. Thai nhi lớn, các khớp ở vùng xương chậu lại mềm nên những cơn đau lưng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Đứng nhiều càng làm cơn đau tăng thêm cả về số lượng và mức độ. Khi buộc phải đứng nhiều, chú ý giữ cho trọng lượng của cơ thể phân đều trên hai chân. Nếu dồn trọng tâm về một bên, áp lực sẽ đè lên phần bên dưới của cột sống và khiến chúng bị nghiêng sang một bên.
– Cần ngồi thẳng lưng trên ghế. Tựa phần lưng dưới vào lưng ghế và ngả người về phía sau. Thường xuyên thực hiện động tác này vài lần mỗi ngày sẽ giúp tăng cường “sức mạnh” cho các cơ có nhiệm vụ nâng đỡ lưng.
– Bố trí chỗ để gác chân khi ngồi tại bàn làm việc.
5. Đối phó với những rắc rối ở xương cổ tay
Nhiều bà bầu thường xuyên bị tê và ngứa ở các ngón tay, gây cảm giác rất khó chịu. Nguyên nhân của triệu chứng này là do hiện tượng giữ nước gây ra áp lực lên các dây thần kinh ở phần cổ tay. Để xua tan cảm giác không thoải mái này, hãy thường xuyên tập thể dục cho tay và cổ tay bằng cách xoa bóp các ngón tay hoặc xoay cổ tay mỗi giờ. Chú ý không được bẻ cong cổ tay. Biện pháp này chỉ làm cho tình hình trầm trọng hơn. Bạn cũng có thể mua một thanh nẹp cổ tay (có bán ở tiệm thuốc tây) và đeo chúng khi đi ngủ để cổ tay không bị cong trong lúc bạn đang “say giấc nồng”.
6. Giải quyết tình trạng rạn da
Rạn da là tình trạng phổ biến mà hầu hết các bà bầu gặp phải. Những đường kẻ sọc trên da sẽ chuyển dần từ màu hồng sang trắng. Đây là vấn đề không thể tránh khỏi vì da buộc phải giãn ra để bụng và ngực to lên. Vết rạn xuất hiện ở lớp collagen của da, vốn nằm bên dưới bề mặt da. Do vậy, những sản phẩm chăm sóc da không “giúp đỡ” được gì. Tuy nhiên, nếu bạn không tăng cân quá nhiều, những vết rạn da sẽ bớt hiện rõ.
7. “Xử lý” chứng giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch xuất phát từ việc tích lũy và tăng khối lượng máu nuôi dưỡng thai nhi. Để giải quyết vấn đề này, bạn nên mang những đôi vớ cao đến gối có bán ở những cửa hàng bán đồ cho bà bầu và em bé. Ngoài ra, có thể hạn chế sự xuất hiện của những tĩnh mạch bị giãn bằng cách sử dụng các loại tinh dầu từ cây bách, chanh hoặc rau thơm để thoa và massage cho chân.
8. Ngăn ngừa chứng táo bón
Phụ nữ mang thai rất dễ bị táo bón, do đó bạn cần chú ý ăn nhiều những thực phẩm giàu chất xơ như đậu, gạo thô, bánh mì thô, hạt lanh đã xay nát, các loại rau có màu xanh đậm và bông cải xanh.
kim hoa đã bình luận
Em sinh nam 1979, em moi lap gia dinh duoc 4 thang. Trong 1 lan xem chuong trinh Suc song moi em duoc biet chung benh Rubella khi mang thai nguy hiem, vi vay truoc khi cuoi 2 thang em da tiem ngua vacrsin Rubella tai vien Pasture. 2 thang sau khi cuoi em duoc biet minh da co thai, vi da tiem vacsin nen em rat tu tin ve suc khoe cua minh. Trong qua thoi gian tren em cham soc thai tai TT cham soc suc khoe Ba me va tre em deu dan theo lich hen cua bac si, vay ma khi thai em duoc 12 tuan thi phat hien thai da luu trong tu cung 4 tuan (em khong co bieu hien gi ve viec thai luu: khong ra mau, khong dau bung…). Hom sau vo chong em vao vien de kiem tra nguyen nhan thai luu thi duoc biet em bi nhiem benh Rubella. Vay lieu vacrsin co dang tin hay khong????. Rat mong duoc bac si tu van giup em.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Có lẽ có nhầm lẫn giữa mắc và tiêm vaccin phòng Rubella. Nếu không hỏi kỹ khi XN thấy IgG rubella (+) kết luận nhiễm R mà không biết rằng tiêm vaccin hay bị nhiễm tự nhiên cũng cho kết quả XN như nhau. Thai lưu do nhiều nguyên nhân, có thể strest cũng gây nên, suy dinh dưỡng (nôn nghén nhiều), cơ thể bạn phản ứng mạnh kéo dài sau tiêm vaccin R, có thể nội tiết yếu….MYC chia sẻ nỗi buồn của bạn. "Thua keo này ta bày keo khác" vậy. Nên chú ý do tính chất của thai lưu vào tuổi thai 12 tuần, hứt nạo thai dễ chảy máu kéo dài vì vậy cần làm XN yếu tố đông máu cẩn thận trước khi làm thủ thuật. Nên chọn BS có kinh nghiệm và tại BVPS. Mong bạn bình an.