Hỏi: Trước khi có thai, tôi đã nặng 60kg, nên trong thời gian mang thai tôi rất sợ bị tiểu đường. Vậy tôi phải ăn uống như thế nào để đủ chất cho em bé mà không bị thừa cân và tiểu đường?
Trả lời: Bạn không cho biết chiều cao nên chúng tôi không thể xác định bạn có bị dư cân hay không. Tuy nhiên, các đối tượng sau đây nên đi xét nghiệm đường huyết: Từ 45 tuổi trở lên, béo phì, một số yếu tố nguy cơ khác như: Một người trong gia đình bị đái tháo đường, Cholesterol trong máu cao, bị cao huyết áp hoặc sinh con nặng trên 4 kg. Nếu kết quả bình thường, sau 3 năm cũng nên đi xét nghiệm lại.
Với người đái tháo đường và béo phì, bạn nên theo một chế độ “bình thường hóa” các nhu cầu ăn uống hàng ngày. Ngày nay có xu hướng bình thường hóa thành phần chất bột, đường sao cho cân bằng lượng đường trong máu, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ lên hệ tim mạch, chức năng thận. Tôn trọng sở thích và thói quen ăn uống trong gia đình theo phương châm “Sức khỏe còn là tình trạng thoải mái cả về thể chất cũng như tinh thần và xã hội”.
Tuy nhiên cũng cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản: ăn phải đủ chất đạm, béo, đường, vitamin, muối khoáng, nước với khối lượng hợp lý. Không ăn thức ăn quá ngọt vì sẽ làm đường huyết tăng cao. Bạn có thể dùng đường ăn kiêng (Equal) thay thế cho đường thường vì đường ăn kiêng chứa rất ít calories nên không làm tăng lượng đường trong máu.
Bạn cũng phải chú ý: Không làm hạ đường huyết quá thấp, đường huyết không tăng giảm quá nhiều trong ngày, lưu ý đến lượng đường trong các bữa ăn. Duy trì được hoạt động thể lực bình thường hàng ngày. Giữ cân nặng ở mức lý tưởng hoặc giảm cân đến mức hợp lý. Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận. Ăn kiêng không nên quá gắt gao vì không có tác dụng ổn định mức đường huyết lúc đói.