Nhiều người cho rằng, trẻ em được sống trong một gia đình truyền thống (gồm nhiều thế hệ cùng sinh sống) sẽ được giáo dục tốt hơn những trẻ em sống trong gia đình hạt nhân (gia đình 2 thế hệ), bởi con trẻ ngay từ nhỏ đã được tiếp xúc với rất nhiều người, với cá tính khác nhau, sẽ dễ dàng hòa nhập với thế giới bên ngoài hơn. Theo tôi không hẳn như vậy.
Cần tìm ra “giáo án” chung cho việc dạy dỗ con trẻ
Chị Hoài sống cùng gia đình nhà chồng và được mẹ chồng cưng chiều hết mực. Đóng góp của chị đối với việc nhà là thi thoảng rửa vài cái bát nếu cô em chồng và mẹ chồng đi vắng. Thế mà chị vẫn muốn thuê nhà ra ở riêng. Hóa ra lý do của những khúc mắc khiến chị quyết ra ở riêng chỉ ở việc dạy hai đứa con của chị. Chị Hoài than phiền rằng, có quá nhiều “thầy” với nhiều “giáo án” cho đứa con yêu và kết quả của sự giáo dục ấy là thằng cu Bin con chị trở nên ương bướng không sợ bất cứ điều gì trên đời.
Nút thắt của nhiều gia đình gồm nhiều thế hệ cùng sinh sống trong cách dạy con cái họ là ở chỗ, con dâu biết mẹ chồng luôn bênh vực cho cháu những điều khiến đứa trẻ có nguy cơ biến thành đứa trẻ hư, nhưng vì ngại va chạm, không muốn mất lòng mẹ chồng, nên các nàng dâu thường buông xuôi hoặc thỏa hiệp với những ý thích của trẻ. Chị Hoài bảo, mẹ chồng chị trước đây rất nghiêm khắc trong cách dạy con, nhưng với cháu thì chiều chuộng hết mực. Vấn đề ở chỗ khi làm mẹ thì ai cũng áp dụng “kỉ luật thép” với con mình, nhưng khi trở thành ông bà thì lại không chịu được khi thấy cháu khóc lóc và thường bất bình trước sự dạy dỗ quá nghiêm khắc của con cái mình đối với các cháu. Kết quả là, mẹ quá “ghê” hay trẻ mắc lỗi chuẩn bị nghe phê bình, mắng, phạt… có thể không bị trách phạt vì đã tìm được một hậu thuẫn to đùng đó là ông bà. Đối với trường hợp gia đình chị Hoài rõ ràng sự nuông chiều quá mức của ông bà, đã khiến đứa trẻ trở nên ngang ngạnh và có nguy cơ thành đứa trẻ hư. Chị Hoài thường bất lực với con mình, dù chị đã đọc rất nhiều sách, lên mạng tra cứu thông tin tìm ra giáo án khá tốt cho việc ăn lẫn việc học của con mình. Thế nhưng, tất cả sự cố gắng của chị luôn vấp phải những rào cản từ phía mẹ chồng chị. Quan điểm dạy dỗ con cái của bà trái ngược chị. Không được phép đánh mắng con trẻ vì “trẻ con biết gì mà đánh mắng”. Không được phép bắt cháu bà học nhiều quá, vì chúng nó đang tuổi ăn tuổi ngủ… theo bà hãy để trẻ phát triển một cách tự nhiên vì gò ép chúng nhiều quá sẽ phản tác dụng… chính sự không thống nhất trong cách dạy dỗ con cháu mình giữa các thành viên trong gia đình, đã khiến các thiên thần của bà, của mẹ chẳng biết điều chỉnh hành vi của mình theo ai, bố mẹ hay ông bà.
Cảnh ngộ của chị Hoài không hề hiếm trong xã hội hiện đại. Vấn đề ở chỗ các thành viên trong gia đình cần có những cuộc trò chuyện một cách thân mật và thẳng thắn với nhau để tìm ra những điểm chung nhất, một “giáo án” chung nhất cho việc giáo dục con cháu mình, giải pháp ra ở riêng dù thế nào cũng chỉ là giải pháp tình thế.