Từ đầu tháng 10 đến nay, tại các bệnh viện ở Hà Nội, số người đến khám và điều trị các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm tai giữa, viêm da do côn trùng, zona, thủy đậu, cảm cúm, sốt phát ban, tiêu chảy… luôn quá tải. Đây là thời điểm giao mùa (thu sang đông), sức đề kháng của cơ thể suy giảm, đặc biệt là trẻ em rất dễ bị nhiễm khuẩn gây nên các chứng bệnh trên.
Dạo qua một số nhà thuốc tư nhân trên phố Nguyễn Khuyến, Quán Sứ, Tây Sơn, Quốc Tử Giám – Hà Nội sáng ngày 13-10-2010 thấy bán chạy nhất là các thuốc chữa cảm cúm Xuyên hương, Decolgen, Tiffy, Efferralgan sủi, Rhumenol, Paracetamol, Pamin… Tiếp đến là thuốc kháng sinh điều trị viêm họng như Erybactery, Rovamycin, Amoxilin, Augmentine, Eryth romycin, Zinat… Phần lớn người bệnh đi mua thuốc không có đơn của bác sĩ.
Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, các bác sĩ ở phòng khám cho biết, những ngày gần đây số người đến điều trị do bị côn trùng đốt tăng mạnh. Người bệnh có các biểu hiện trên da toàn thân dày đặc mảng rát bỏng, ban đỏ, mụn nước mủ,… Một số người bị sốc phản vệ, chân tay lạnh, hai mắt sưng mọng, huyết áp hạ… Có bệnh nhân đi lại khó vì biến chứng của nọc độc côn trùng gây hạch ở bẹn….
Viện Lão khoa trung ương, mỗi ngày có 170- 220 trường hợp đến khám, trong đó nhiều người phải nhập viện vì hen, suy hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn, tăng huyết áp, tim mạch….
Khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai đang có trên 20 cháu nằm điều trị vì sốt cao, viêm phế quản phổi, suy hô hấp. TS Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng Khoa cho biết, những ngày Khoa phải tổ chức khám ngoài giờ và vào các ngày thứ 7, chủ nhật cho 70-100 cháu/ngày.
7 giờ sáng ngày 13-10-2010, các ghế ngồi chờ của Khoa Khám- Bệnh viện Nhi Trung ương đã kín. Các bác sĩ ở đây cho biết, những ngày này Khoa khám phải tiếp nhận hơn 800 bệnh nhi, phần lớn bị viêm đường hô hấp, sốt cao, sốt phát ban. Trẻ đến viện trong tình trạng khó thở do viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, khí quản, phế quản, phế nang và phổi nặng. Nguyên nhân phần lớn các cháu đã được các bác sĩ tư khám và cho dùng không đúng thuốc và không đúng chỉ định, nên vào viện đã có nhiều biến chứng sang viêm xoang, viêm tai giữa, phải điều trị kéo dài với kháng sinh đặc trị mạnh, đắt tiền. Có những cháu vào viện mắc cùng một lúc bệnh thủy đậu và cảm cúm, điều trị rất khó.
Theo các bác sĩ, khi bị nhiễm khuẩn cũng là lúc nhu cầu năng lượng cơ thể tăng cao cả về chất đạm, vitamin và khoáng chất. Nếu thân nhiệt tăng 1độ C thì chuyển hóa cơ bản sẽ tăng hơn 10%. Nhưng khi sốt, đặc biệt là sốt cao, hệ tiêu hóa giảm chức năng hoạt động như giảm tiết dịch tiêu hóa, dịch dạ dày, dịch tụy, mật khiến người bệnh đắng miệng, mất khẩu vị, chán ăn, giảm co bóp và nhu động ruột dẫn đến lâu tiêu và đầy bụng. Do vậy năng lượng đáp ứng cho cơ thể càng có nguy cơ bị thiếu hụt. Nếu không được bổ sung dinh dưỡng kịp thời, năng lượng dự trữ của cơ thể sẽ bị hao hụt. Nếu sốt kéo dài có thể gây suy nhược cơ thể, bệnh nhiễm khuẩn lâu khỏi hơn.
Trong giai đoạn người bệnh bị sốt nhiễm khuẩn thường chán ăn, nhưng thực chất lúc này cơ thể cần năng lượng và một số chất nhiều hơn bình thường. Vì thế người bệnh phải được thực hiện theo 3 nguyên tắc: Ăn đủ lượng, đủ chất; Uống nhiều nước rau, quả chín, orezol; Chọn thức ăn mềm, dễ tiêu, chế biến ngon và đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Trong các bệnh nhiễm khuẩn, vitamin thường bị hao hụt rất nhiều. Do vậy việc tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin rất quan trọng. Vitamin C giúp tăng sức đề kháng, vitamin A làm giảm quá trình nhiễm khuẩn, đồng thời tái tạo lại niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp đã bị tổn thương sau quá trình sốt. Nước hoa quả là nguồn bổ sung nước và các vitamin cho cơ thể rất tốt cho người bị sốt cao. Người bệnh không nên ăn các thực phẩm khó tiêu, ít năng lượng như khoai lang, khoai sọ, miến, ngô. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ suy dinh dưỡng gầy yếu rất dễ bị nhiễm khuẩn và việc điều trị bệnh cũng như chăm sóc dinh dưỡng khó khăn hơn nhiều. Bên cạnh những triệu chứng lâm sàng của các cơ quan bị tấn công, đường ruột của trẻ cũng hay bị rối loạn do ảnh hưởng của vi khuẩn, virus. Trường hợp trẻ phải dùng kháng sinh dài ngày để trị bệnh cũng khiến cho hệ vi khuẩn có ích cho đường ruột bị rối loạn, làm giảm khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Những lúc như thế này có thể cho trẻ ăn một số loại quả như đu đủ, dứa, sữa chua… giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Sau khi khỏi bệnh, trẻ thường có hiện tượng ăn trả bữa, vì vậy các bà mẹ cần chú ý bổ sung thức ăn giàu đạm.