Ghép tử cung không lâu nữa sẽ trở thành một liệu pháp điều trị vô sinh chủ yếu, sau khi các nhà nghiên cứu Thụy Điển có bước đột phá trong quy trình này.
Các chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Sahlgrenska ở Gothenburg, cách thủ đô Stockholm 400 km về phía tây nam, đã kiểm tra quy trình cấy ghép tử cung ở trên chuột.
Những con chuột được ghép tử cung đều có thai và có thể sinh con mà không gặp trục trặc đáng kể nào.
Nhà nghiên cứu Lisa Johannesson cho biết quy trình này có thể mang lại hy vọng cho những người phụ nữ vô sinh. “Đây là một giải pháp thay thế cho việc nhờ người mang thai hộ, hoặc xin con nuôi”, bà nói.
Quy trình này đã chứng tỏ sự thành công trên chuột, cừu và lợn. Các chuyên gia sẽ tiến hành thử nghiệm trên khỉ đầu chó, trước khi bắt đầu thử nghiệm trên người.
Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng quy trình này sẽ được áp dụng vào thực tế bệnh viện trong 2 năm tới.
Khi đó, tử cung cấy ghép (lấy từ người chết não, hoặc từ họ hàng thân thích còn sống) sẽ được nối với các mạch máu của người nhận và chỉ ở trong bụng người phụ nữ đủ thời gian để nuôi dưỡng bào thai trong đó.
Khi chào đời, em bé sẽ ra theo đường sinh mổ, đồng thời bác sĩ cũng lấy tử cung ghép ra khỏi cơ thể người mẹ, nhằm giảm thiểu tác dụng phụ của việc dùng thuốc chống thải ghép lâu dài.
Trước kia, một ca cấy ghép tử cung trên người được thực hiện tại Saudi Arabia năm 2000, nhưng tử cung này bị đào thải chỉ sau 3 tháng. Các chuyên gia phỏng đoán tử cung đã không được nối với mạch máu của người nhận hợp lý.
Theo Sunday Express và news.com.au, nghiên cứu này cũng làm dấy lên khả năng đàn ông có thể mang thai nhờ một tử cung của người hiến. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khẳng định đấy không phải là việc của họ lúc này.
Cùng thời điểm này năm ngoái, các nhà khoa học Anh tuyên bố đã đi gần tới việc cấy ghép tử cung thành công. Tuy nhiên, công trình mới đây được các nhà khoa học Thụy Điển cho rằng sát với thực tế hơn cả.