Mẹ Yêu Con ORG

Mẹ tròn - Con vuông

  • Home
  • Mẹ mang thai
  • Chăm sóc bé
  • Giáo dục trẻ
  • Góc tư vấn
  • Sức Khỏe Phụ Nữ
  • Làm đẹp
  • Tin tức

Lắng nghe thai máy

Thai máy, còn gọi cử động thai, là một trong những dấu hiệu cho biết mầm sống người mẹ đang mang trong mình có khoẻ không. Theo dõi cử động thai không chỉ mang tính cảm xúc mà còn là thực hành có lợi cho thai, đặc biệt trong các tháng cuối thai kỳ.

Bao giờ thai máy và máy ra sao?

Thai được tám tuần tuổi đã bắt đầu có cử động. Tuy nhiên, do những cử động này nhẹ và khối lượng thai quá nhỏ, các thai phụ chưa thể cảm nhận. Người mẹ chỉ cảm nhận được cử động thai khi thai vào khoảng 3 – 4 tháng. Do đã có kinh nghiệm nên các bà mẹ sinh con rạ nhận ra dấu hiệu của thai máy sớm hơn các sản phụ sinh con so. Sau năm tháng, nếu chưa thấy thai máy là dấu hiệu đáng ngại. Những thai phụ có thành bụng dày khó cảm nhận thai máy hơn người có thành bụng mỏng. Lượng nước ối quá nhiều hay quá ít cũng làm thay đổi khả năng cảm nhận. Cảm nhận đầu tiên thường nhẹ nhàng, giống như tôm búng, cá quẫy, có cái gì nhúc nhích trong bụng. Về sau, khi thai càng lớn sẽ cảm nhận rõ hơn cử động đạp, quẫy của bé. Ở những tháng cuối thai kỳ, thai phụ cần phân biệt để đừng nhầm lẫn thai máy với cơn gò tử cung. Gò tử cung làm toàn bộ bụng cứng chắc lên, tuỳ mức độ còn gây đau, trong khi thai máy chỉ cảm nhận ở một vùng bụng.

Giúp biết thai bình thường hay bất thường

Thai nhi có bốn trạng thái: một là tĩnh lặng, không có cử động, tim thai ít dao động; hai là cử động thường xuyên, lớn, kèm cử động nhanh của mắt và dao động nhiều của tim thai, tương ứng giai đoạn trẻ sơ sinh ngủ tích cực; ba là cử động mắt liên tục, không cử động thai và không gia tăng tim thai; bốn là cử động thai đơn độc kèm cử động liên tục của mắt và gia tăng tim thai. Đa số thời gian thai ở trạng thái một và hai. Cử động thai người mẹ cảm nhận được cũng hầu hết vào trạng thái hai. Theo dõi tim thai và cử động thai bằng máy cũng chủ yếu quan sát được hai tình trạng đầu tiên này. Hoạt động thai theo chu kỳ ngủ tĩnh – ngủ tích cực không ảnh hưởng bởi giấc ngủ người mẹ.

Theo dõi thai máy để đánh giá sức khoẻ thai chỉ nên thực hiện trong khoảng hai tháng cuối thai kỳ và trong khoảng một giờ. Càng quá ngày sinh, cử động thai càng giảm. Trong lúc tỉnh thức, tối thiểu thai sẽ cử động 3 – 4 lần/giờ. Thấp hơn mức này, hoặc thai đang ngủ, hoặc đang có vấn đề sức khoẻ. Cử động quá nhiều (hơn 20 lần) thì coi chừng thai đang bị stress hay chính người mẹ đang căng thẳng. Lúc này cần bình tĩnh, nghỉ ngơi, sẽ thấy thai có cử động nhẹ nhàng lại. Nếu cử động vẫn tăng nhanh, dồn dập, nên đến bệnh viện kiểm tra. Những tháng trước đó, theo dõi thai cử động trong ngày là dấu hiệu cho biết thai có hoạt động, tức còn sống, nhưng yếu hay khoẻ không thể kết luận. Khi thấy cả một ngày mà thai không máy hoặc thai máy ít hơn so với ngày trước thì cần chú ý đây có thể là dấu hiệu thai đang bất thường. Một số người mẹ phản ảnh thai máy nhiều khi nằm nghỉ hay vào buổi tối. Thật ra đây là lúc rảnh rỗi, người mẹ có nhiều thời gian theo dõi thai nên nhận ra cử động thai dễ dàng hơn các thời điểm khác.

Làm gì khi thai máy bất thường?

Khi tự theo dõi thai máy trong hai tháng cuối, nếu thấy ít hơn mức tối thiểu 3 – 4 cử động thai trong một giờ thì có thể theo dõi tiếp trong một giờ nữa hoặc đến kiểm tra tại bệnh viện. Theo dõi tại bệnh viện, ngoài quan sát cử động thai còn theo dõi cả biến động tim thai theo cử động thai. Xét nghiệm này gọi là NST (Non Stress Test), không có tác động gây kích thích thai. Bên cạnh đó, còn có xét nghiệm ST (Stress Test), quan sát tim thai theo sau kích thích thai, có thể kích thích bằng âm thanh hay lắc thai, mục đích xem tim thai có thay đổi. Một số xét nghiệm khác là CST (Contraction Stress Test), theo dõi tim thai qua biến động cơn gò tử cung, bằng cách tạo ra cơn gò tử cung giống như chuyển dạ, nhằm thử thách xem thai có chịu đựng nổi khi vào chuyển dạ không; xét nghiệm OCT gây cơn gò tử cung bằng cách truyền oxytocin; xét nghiệm BST gây cơn gò tử cung bằng cách se đầu vú, làm kích thích cơ thể tiết ra oxytocin nội sinh, đây cũng là lý do bác sĩ thường khuyên các thai phụ không xoa đầu vú khi vệ sinh vào các tháng cuối thai kỳ hoặc tránh để ai đó tiếp xúc khu vực này, vì có thể gây ra cơn đau chuyển dạ, dễ sanh non. Theo dõi cử động thai tại bệnh viện còn có thể áp dụng các trắc nghiệm sinh học (biophysical profile) hoặc qua siêu âm kèm một số chỉ số khác (tim thai, động tác thở, nước ối…)

Cử động thai máy là dấu ấn đặc biệt, cho người mẹ cảm nhận rõ ràng mầm sống hiện hữu trong cơ thể. Thường người mẹ cảm nhận thai máy vào khoảng sau ba tháng, đã hết thai hành, nên cảm xúc cũng gia tăng theo chiều thuận lợi. Chia sẻ điều này giữa vợ chồng càng làm tăng thêm sự gắn bó. Nói ví von, cảm xúc khi nhận được cử động thai cũng giống như cảm nhận của cặp nghệ nhân cùng sáng tạo sản phẩm và nhận ra sản phẩm đó đã thành hình và phát triển tốt.

ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh

Meyeucon.org - 16/10/2010
★★★★★★
Chia sẻ
Có thể bạn quan tâm: Những điều cần biết khi mang thai

Bài viết liên quan

  • Tư vấn dinh dưỡng cho bà bầu khi mang thai tháng thứ ba
  • Tầm quan trọng của Omega3 với mẹ bầu
  • Công dụng của củ đậu đối với phụ nữ sau sinh!
  • Những bài tập thể dục thích hợp cho mẹ bầu
  • Tác dụng cực hay của khoai lang đối với bà bầu

Bình luận

  1. Cherry Uyen Phuong đã bình luận

    26/09/2011 at 8:27 chiều

    Chào bác sĩ
    Em có thai được 20 tuần, hiện giờ em không cảm nhận được thai máy, em rất lo lắng, mỗi lần đi khám thai, bác sĩ cho nghe tim thai và chỉ cho em nghe tiếng con đạp do máy đó tim thai rà trúng em bé. Bác sĩ cho em hỏi khi nào cảm nhận được thai máy và nó có cảm giác như thế nào ạ? Và đến khoảng bao nhiêu tuần thì cảm nhận rõ ạ. Cảm ơn bác si

    Trả lời
    • BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận

      07/10/2011 at 3:19 sáng

      Chắc giờ này bạn đã cảm nhận được bé yêu đang làm động tác "gọi" mẹ. Chúc bạn hạnh phúc.

      Trả lời
  2. Nguyễn Thị Thanh Dương đã bình luận

    10/08/2011 at 10:47 sáng

    Chào bác sỹ, em có một vấn đề rất mong bác sỹ chỉ giúp. Em mang thai được 21 tuần, 4 hôm trước có đi siêu âm 4D, bác sỹ nói thai tốt, không có gì bất thường, chỉ hơi nhẹ cân, và em bị rau bám thấp, cần theo dõi. Sau hôm đi siêu âm đó, thì 3 hôm nay, em thấy bé máy rất ít, có khi cả ngày chỉ có buổi tối khi đi ngủ là em cảm nhận là bé máy một chút, sau đó cũng không thấy gì nữa. Hiện giờ em đang rất lo lắng, không biết là có bất thường gì không? đôi khi em thấy bụng em khó chịu, giống như muốn đi đại tiện mà không đi được. Nhưng em không bị táo bón hay làm sao cả. Bác sỹ hãy cho em lời khuyên bây giờ em nên làm thế nào, vì thực sự em cũng rất lo lắng. Em cảm ơn bác sỹ

    Trả lời
    • BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận

      23/08/2011 at 6:06 sáng

      Chẳng có vấn đề gì cả bạn nhé. Lo lắng quá sẽ ảnh hưởng phát triển của thai. "Bụng khó chịu" sẽ tiếp tục xảy ra vì thai to lên chèn ép ruột.

      Trả lời

Ý kiến của bạn Hủy

X

Vui lòng điền thông tin chính xác, để nhận được câu trả lời 1 cách nhanh nhất!

Sự phát triển của thai nhi
Theo quý:
Theo tháng:
Theo tuần:

Bài viết đọc nhiều

[Giải đáp] Mẹ bầu thừa sắt có sao không?

[Giải đáp] Mẹ bầu thừa sắt có sao không?

Hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ qua sữa mẹ

Hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ qua sữa mẹ

Nguyên nhân khiến trẻ 9 tháng biếng ăn – mẹ đã biết chưa?

Nguyên nhân khiến trẻ 9 tháng biếng ăn – mẹ đã biết chưa?

Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?

Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?

Thiếu sắt ở mẹ bầu có làm thai nhi bị ảnh hưởng?

Thiếu sắt ở mẹ bầu có làm thai nhi bị ảnh hưởng?

Trang chuyên thông tin về sức khỏe, tình yêu và hạnh phúc cho Mẹ, bé & Gia đình.

Thông tin và điều khoản
  • Chính sách biên tập và chỉnh sửa
  • Chính sách bảo mật thông tin
  • Chính sách quảng cáo và tài trợ
  • Tiêu chuẩn cộng đồng
Link liên kết
  • Chuyên mục chăm sóc bé
  • Chuyên mục mẹ mang thai
  • Chuyên mục sức khỏe phụ nữ
  • Chuyên mục làm đẹp

Mọi thông tin trên trang chỉ mang tính chất tham khảo và bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Xem đầy đủ về thông tin “Miễn trừ trách nhiệm tại đây!”

Copyright © 2017 Meyeucon.org. All rights reserved. by Caia.vn