Hầu như ai cũng có lúc cảm thấy buồn chán và cảm giác buồn chán là chuyện bình thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi một đứa trẻ hoặc một thanh thiếu niên cảm thấy buồn chán quá thường xuyên, quá nhiều, hoặc quá lâu, em có thể mắc một chứng bệnh rối loạn cảm xúc gọi là trầm cảm.
Một số dấu hiệu của chứng trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên
Chứng trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể biểu hiện dưới dạng tâm trạng buồn chán, cáu giận hoặc cực kỳ nhạy cảm. Một số dấu hiệu của bệnh trầm cảm là:
- Thường xuyên cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng, có lỗi hoặc tự ti
- Ít quan tâm hơn tới các hoạt động mà trước đây các em đã từng vui thích.
- Thiếu sinh lực và sự nhiệt tình, và thường xuyên cảm thấy chán nản
- Khó tập trung chú ý
- Có những thay đổi đáng kể về khẩu vị hoặc cân nặng
- Xa lánh những người lớn hoặc giao tiếp kém
- Thường xuyên nghĩ tới cái chết, gây tổn hại cho bản thân, hoặc tự tử
- Thường xuyên cảm thấy khó chịu trong cơ thể, thí dụ như đau đầu, nhức mỏi cơ, đau bụng, hoặc mệt mỏi
- Có tâm trạng tức giận, cáu gắt, thù hận hoặc các hành vi nguy hiểm nghiêm trọng hơn
- Bật khóc, la hét, kêu la hoặc cáu giận mà không rõ nguyên nhân
- Thường xuyên nghỉ học hoặc có kết quả học tập kém
- Nghiện rượu và ma túy
Trẻ em và thanh thiếu niên có thể khó nhận biết và mô tả về cảm xúc và cảm giác của các em. Các em có thể vẫn chưa biết cách bộc lộ bản thân bằng từ ngữ. Các em có thể biểu hiện cảm xúc của mình qua hành vi. Đôi khi những người lớn hiểu lầm những hành vi này là hành động không vâng lời hoặc thích thể hiện, nhưng đó có thể là các dấu hiệu của chứng trầm cảm.
Các bệnh về thể chất và tâm thần khác cũng có các triệu chứng giống như các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Và cũng có khả năng là một đứa trẻ có thể cùng lúc mắc bệnh trầm cảm và một căn bệnh khác, thí dụ như chứng rối loạn cảm xúc lo âu hoặc các khuyết tật về nhận thức. Do đó, điều quan trọng là em cần được bác sĩ chuyên khoa khám kiểm tra kỹ lưỡng để chẩn đoán chính xác.
Các nguyên nhân gây bệnh trầm cảm
Hiện nay người ta vẫn chưa hiểu rõ được nguyên nhân chính xác gây ra đa số các chứng rối loạn tâm thần. Thông thường, các chứng rối loạn tâm thần phát sinh từ các yếu tố di truyền kết hợp với các yếu tố sinh học khác, và các yếu tố nuôi dưỡng cũng như các yếu tố môi trường khác. Sự ảnh hưởng giữa sinh học và môi trường là rất phức tạp. Bộ não ảnh hưởng tới hành vi, và kinh nghiệm ảnh hưởng tới sự phát triển của bộ não.
Bệnh trầm cảm di truyền trong gia đình, qua đó cho thấy khả năng dễ mắc bệnh về mặt sinh học có thể là do di truyền. Các yếu tố khác, có thể là tâm trạng căng thẳng ở nhà, trường học hoặc sở làm, và các biến cố căng thẳng trong cuộc sống như chấn thương, mất mát, hoặc bệnh mãn tính cũng là các yếu tố chính gây trầm cảm.
Trầm cảm được chữa trị như thế nào?
Bản thân các trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm không phải là những người yếu đuối và các em không có khiếm khuyết về tính cách. Cảm giác trầm cảm của các em là rất thật và không thể kỳ vọng vào việc các em chỉ cần “vui vẻ lên.” Trẻ em và thanh thiếu niên bị trầm cảm cần được điều trị và bệnh trầm cảm của các em là có thể chữa khỏi được.
Về vấn đề trị liệu tâm lý, nghiên cứu cho thấy rằng liệu pháp giao tiếp hoặc hành vi nhận thức rất hữu ích cho những người mắc bệnh trầm cảm. Hai liệu pháp này giúp thanh thiếu niên chú trọng tới các mối quan hệ cá nhân gây trở ngại cho các em và các lối suy nghĩ tiêu cực thường liên quan tới bệnh trầm cảm. Các biện pháp điều trị khác có thể là trị liệu tâm lý cho gia đình và trị liệu theo nhóm. Ngày càng có nhiều nghiên cứu về việc sử dụng thuốc để chữa chứng trầm cảm ở trẻ em.