Trầm cảm ở trẻ 3 tuổi là có thật và không chỉ là biểu hiện cáu gắt. Đây được cho là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra trầm cảm có thể là bệnh mãn tính đối với mọi trẻ nhỏ.
“Chúng ta vẫn chưa quan tâm nhiều lắm tới những rối loạn trầm cảm ở trẻ dưới 6 tuổi bởi ít ai nghĩ rằng nó có thể xảy ra do độ tuổi này còn quá non nớt về mặt cảm xúc”, chuyên gia tâm lý, TS Joan Luby, ĐH Washington (Mỹ), cho biết.
Trầm cảm ở trẻ 3 tuổi là có thật và không chỉ là biểu hiện cáu gắt, theo một nghiên cứu tại Mỹ. Đây được cho là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng trầm cảm có thể là bệnh mãn tính đối với mọi trẻ nhỏ.
Nghiên cứu trước đó cho thấy trầm cảm ảnh hưởng tới một giai đoạn nào đó của khoảng 2% trẻ dưới 6 tuổi sống tại Mỹ (tương đương với 160 ngàn trẻ em). Nhưng hiện chưa rõ là liệu trầm cảm ở độ tuổi trước khi đi học có trở thành mãn tính như ở những trẻ lớn và người trưởng thành.
TS Luby và các cộng sự đã theo dõi hơn 200 em dưới 6 tuổi (trong độ tuổi từ 3 – 6), trong đó có 75 bé bị chẩn đoán là trầm cảm. Các bé được kiểm tra sức khỏe tinh thần 4 lần trong suốt quá trình nghiên cứu kéo dài hơn 2 năm.
Kết quả cho thấy, trong số những trẻ có biểu hiện trầm cảm, 64% vẫn tiếp tục trầm cảm hoặc bộc lộ rõ rệt ở 6 tháng sau đó. 40% vẫn gặp phải những vấn đề rắc rối sau 2 năm. Và gần 20% tái trầm cảm hay trầm cảm kéo dài không dứt sau cả 4 cuộc kiểm tra.
Trầm cảm là một trong những “bệnh” phổ biến nhất ở những đứa trẻ mà có mẹ cũng bị trầm cảm hoặc bị rối loạn cảm xúc, hay bị chấn thương tâm lý do bị lạm dụng tình dục, thể xác, người thân đột ngột ra đi…
Bà Luby cũng chia sẻ một nghiên cứu chưa được công bố đó là những chất gây ra trầm cảm ở trẻ lớn cũng xuất hiện ở những trẻ chưa đến tuổi đi học.
Dấu hiệu của trầm cảm ở trẻ nhỏ
Biểu hiện điền hình của chứng trầm cảm ở trẻ dưới 6 tuổi là ủ rũ hoặc rất dễ nổi giận nhưng cũng nhanh “quên”, lại vui vẻ khi được chơi đùa hay tham gia các hoạt động. Trẻ trầm cảm thường buồn ngay cả khi đang chơi đùa, chạy nhảy và trò chơi chúng thích thường có chết chóc, u buồn. Không có cảm giác thèm ăn, rối loạn giấc ngủ và thường xuyên cáu giận với những hành động bộc phát như cắn, đá hoặc đám là những dấu hiệu của trầm cảm.
Bà Luby cho biết một dấu hiệu khác là đứa trẻ luôn cảm thấy lo lắng với lỗi lầm chúng gây ra. Ví như, một đứa trẻ 3 tuổi bị trầm cảm chót đánh vỡ cái cốc thì chúng sẽ nói: “Mẹ ơi, con xin lỗi vì đã làm vỡ cốc” và sẽ không thể thoát khỏi cảm giác mắc lỗi này trong những ngày tiếp theo.
Quan trọng là điều trị sớm
TS. Helen Egger, chuyên gia tâm lý của ĐH Duke, người cũng có nhiều nghiên cứu về trầm cảm ở trẻ em, cho biết: chứng trầm cảm phổ biến nhất là ở lứa tuổi teen. Cha mẹ của bọn trẻ cho biết các biểu hiện đó thường bắt đầu từ rất sớm, khi còn rất nhỏ nhưng họ tất cả đều chủ quan cho rằng: “Con tôi sẽ dễ dàng vượt qua chúng”.
Chuyên gia tâm lý ĐH Massachusetts, Lisa Cosgrove tỏ ra hoài nghi về phương pháp chẩn đoán chứng trầm cảm ở trẻ dưới 6 tuổi bởi vì công cụ để kiểm tra sức khỏe tinh thần không thể là các test vẫn dùng cho người lớn.
Và bà Cosgrove cho rằng điều trị sớm là rất quan trọng đối với những đứa trẻ đang gặp rắc rối về tâm lý này. “Nhưng cần phải chắc chắn rằng sự can thiệp này không làm đứa trẻ bị tổn thương thêm do việc dùng thuốc”, Cosgrove nhấn mạnh. TS Egger cũng tỏ ra đồng tình với suy nghĩ này bởi theo bà, có rất ít nghiên cứu về ảnh hưởng của các loại thuốc an thần đối với trẻ nhỏ.
TS David Fassler, chuyên gia về tâm thần học của ĐH Vermont, nhấn mạnh rằng trầm cảm ở trẻ nhỏ là rất hiếm. Tuy nhiên, nếu không điều trị, nó có thể ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của đứa trẻ sau này.
“Hy vọng những nghiên cứu như thế này sẽ giúp các bậc cha mẹ, giáo viên và các bác sĩ Nhi sẽ nhận biết được các dấu hiệu trầm cảm ở trẻ dưới 6 tuổi và hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp tâm bệnh này”, Fassler nói.