Thủy đậu là loại bệnh không quá nghiêm trọng và hầu hết trẻ em đều mắc phải. Tuy nhiên cũng cần chăm sóc bệnh nhân và điều trị đúng cách để nhanh chóng khỏi bệnh, tránh những biến chứng có thể xảy ra.
Cần đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời để ngăn ngừa biến chứng của thủy đậu
Triệu chứng và biến chứng của thủy đậu
Thuỷ đậu là bệnh do virus Varicella Zoster gây nên, thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân, khi thời tiết ẩm. 90% trường hợp bệnh xuất hiện ở trẻ em dưới 10 tuổi (90% trường hợp), người lớn rất ít bị bệnh nhưng đã mắc thì thường nặng.
Trong vòng 48 giờ đầu, trẻ có các biểu hiện như sốt, chán ăn, mệt mỏi. Bệnh nhân thường bị viêm họng, viêm đường hô hấp trên 1-3 ngày, sau đó mới có tổn thương da. Tổn thương da là các mụn nước, mụn mủ xuất hiện hàng loạt. Các mụn nước thường lõm ở giữa và có quầng đỏ xung quanh. Các mụn nước nhanh chóng hoá mủ sau đó vỡ ra đóng vảy tiết. Các mụn nước cứ lên liên tục kế tiếp nhau. Thông thường thì tổn thương da có thể mọc ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể nhưng lòng bàn tay, bàn chân thì không có tổn thương. Mụn nước, mụn mủ mọc cả trong niêm mạc miệng, họng, mũi, thanh quản, hầu, kết mạc mắt, trong niêm mạc đường tiêu hoá, đường tiết niệu, âm đạo… Có thể xuất hiện các vết trợt nông màu hồng, ẩm ướt ở trong miệng. Khi bị nhiễm trùng bồi phụ thì da có nhiều mủ và bệnh nhân có sốt kèm theo. Sau 1-3 tuần, các vảy tiết bong đi để lại các vết hơi lõm, màu hồng hoặc đỏ. Các vết lõm này có thể đầy dần lên và bằng phẳng với mặt da, nhưng cũng có trường hợp để lại các sẹo lõm, đặc biệt các trường hợp có nhiễm trùng và vết loét sâu.
Các biến chứng thường gặp là bội nhiễm da để lại các vết sẹo lõm (xảy ra khi nốt đậu bị vỡ hoặc do trẻ gãi làm trầy xước da), viêm phổi, viêm não sau thủy đậu. Việc điều trị chủ yếu nhằm mục đích làm giảm nguy cơ gây biến chứng. Có thể bôi tại chỗ thuốc chống nhiễm khuẩn như milian, xanh methylen và uống thuốc chống ngứa theo chỉ định của bác sĩ.
Chăm sóc và điều trị bệnh nhân thủy đậu
Bệnh thủy đậu rất dễ lây. Thời kỳ lây bệnh kéo dài từ 24-48 giờ trước khi phát ban cho đến khi những nốt thủy đậu đóng vảy (khoảng 1 tuần). Trẻ đang ở trong giai đoạn này cần được cách ly hoàn toàn. Người lớn và trẻ em đã tiếp xúc với trẻ bị thuỷ đậu trong vòng 4 ngày, nếu chưa từng bị thủy đậu và chưa tiêm phòng, cần đi tiêm vaccine phòng thủy đậu ngay. Bệnh nhân cần cắt ngắn móng tay, giữ da sạch sẽ, rửa bằng thuốc tím hoặc nước muối pha loãng. Việc tiêm phòng sẽ có hiệu quả nếu được thực hiện trong vòng 3 ngày đầu sau khi tiếp xúc với người bệnh. Theo một số tài liệu thống kê cho thấy, vaccine phòng thủy đậu có tác dụng bảo vệ khoảng 90% – 100% những người đã được tiêm chủng. Trong một số trường hợp, vaccine chỉ làm giảm nhẹ chứ không ngăn ngừa được bệnh. Vaccine phòng thủy đậu giúp cơ thể tự tạo kháng thể chống virus gây bệnh. Trẻ 1-13 tuổi chỉ cần tiêm một lần duy nhất, trẻ trên 13 tuổi và người lớn cần tiêm 2 lần, cách nhau 6-10 tuần.
Việc một trẻ đã tiêm chủng lại mắc thủy đậu là điều không phổ biến nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Lúc này, trên da trẻ có thể xuất hiện một số bọng nước, thường là ở phía có vết tiêm chủng. Các dấu hiệu khác của bệnh như sốt, ho… thường ít xuất hiện. Bệnh tiến triển nhẹ và không gây biến chứng.
Để làm cho sẹo lõm đầy lên, có thể lấy dịch lỏng bên trong 10 viên thuốc dầu cá trộn đều với 2 tuýp mỡ tetracyclin, bôi buổi tối để qua đêm. Không nên bôi nghệ tươi vì đôi khi làm bỏng rát da, không tốt cho quá trình liền sẹo.
nguyen van thuan đã bình luận
thank bac si nhiu nha dung zới chứng bẹnh dang hành hạ e