Mỗi năm nước ta có thêm gần 5.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Nếu được can thiệp kịp thời, khoảng 1.500 trẻ được ra đời từ các bà mẹ này tránh được nhiễm HIV.
Bộ Y tế đặt ra đích năm 2015 sẽ không còn tình trạng lây nhiễm HIV mẹ – con. Đây thực sự là thách thức, khi mà trên thực tế, trẻ dưới 13 tuổi dương tính vẫn ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở Điện Biên – điểm nóng nhất về đại dịch HIV/AIDS hiện nay.
Không niềm vui nào hơn khi con “âm tính”
Chị Mai (ở xã Long An, huyện Long Ứng, TP.Điện Biên) chờ đợi đến ngày đứa con chào đời trong hy vọng mong manh nó không bị nhiễm HIV. Bác sĩ (BS) dặn chị không được cho con bú. Ngoài cho con uống sữa dinh dưỡng được hỗ trợ, hàng ngày, chị chắt thêm nước cơm cho con uống. Mười tám tháng chờ đợi để làm xét nghiệm dài dằng dặc. Những lúc con ho sốt, chị lại nghĩ sợ hai chữ “dương tính”… Cầm trên tay phiếu xét nghiệm bé Hoa có kết quả âm tính với HIV, chị trào nước mắt, mấy ngày chỉ ngắm nghía tờ giấy xét nghiệm cười một mình. Chị Mai là 1 trong 5 trường hợp bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây nhiễm mẹ – con (DPLNMC) và con sinh ra đã có kết quả âm tính với HIV ở nhóm Hoa Hướng Dương, TP.Điện Biên.
Cũng như chị Mai, cách đây 2 tháng, chị Lò Thị Ngân ở thị xã Mường Lay cũng vừa được biết kết quả xét nghiệm âm tính của đứa con trai duy nhất 2 tuổi của mình. Chồng đã mất vì AIDS, nhưng con đã được cứu thoát khỏi bàn tay tử thần, chị Ngân cũng như được sống cuộc đời mới.
Vẫn chỉ là muối bỏ biển
Nhưng ở Điện Biên – tỉnh đang dẫn đầu danh sách 10 tỉnh có tỉ lệ nhiễm HIV cao nhất cả nước, những bà mẹ dương tính có điều kiện tiếp cận với các DVLNMC chưa nhiều. Theo BS Vũ Hải Hùng, PGĐ Trung tâm Phòng, chống AIDS Điện Biên, tỉ lệ phụ nữ mang thai ở Điện Biên cao gấp 7,5 lần mặt bằng toàn quốc. So với ước tính 180 thai phụ nhiễm HIV, con số 38 bà mẹ đã được điều trị DPLNMC còn quá nhỏ nhoi. Năm 2015 là thời điểm thế giới và Bộ Y tế VN phấn đấu không còn lây truyền HIV từ mẹ – con nhưng dấu mốc này rất khó khả thi ở Điện Biên.
Riêng 6 tháng đầu năm nay, có 17 phụ nữ HIV mang thai được phát hiện, nhưng chỉ có 12 bệnh nhân đăng ký điều trị DPLTMC, mặc dù họ sẽ được uống thuốc dự phòng, được tư vấn và cung cấp sữa nuôi con miễn phí tới khi con được 6 tháng tuổi. Người dân ở các nơi xa như huyện Mường Nhé, có thể phải đi hơn 100 cây số mới đến được nơi cung cấp dịch vụ. Đường đi khó, bụng mang dạ chửa, không phải ai cũng có đủ tiền và nghị lực để đi, dù họ có thể đã phần nào được nghe và hiểu về việc có thể tránh lây cho con.
Tỉ lệ lây HIV trong quá trình chuyển dạ về lý thuyết là khoảng 17%, nhưng với tập quán sinh tại nhà, điều kiện vệ sinh, vô trùng còn hạn chế, không loại trừ tỉ lệ lây trên thực tế ở Điện Biên cao hơn…
Bên cạnh đó, không thể không nói đến hạn chế lớn từ phía cán bộ y tế. Điện Biên mới chỉ có khoảng 15% cán bộ y tế làm về HIV được tập huấn, có kiến thức về DPLTMC.
Trong 100 bà mẹ nhiễm HIV, có thể sinh 65 – 100 bé khỏe mạnh nếu mẹ được điều trị dự phòng trong khi mang thai, sinh đẻ và nuôi con theo hướng dẫn. Để giảm nguy cơ lây HIV cho con, điều quan trọng nhất là thai phụ cần tiếp cận đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện càng sớm càng tốt. Điều trị dự phòng sớm bằng thuốc kháng virus (ARV) có thể bắt đầu trước tuần thứ 28 thai kỳ. Sau khi sinh, bà mẹ và người thân trong gia đình có thể được tư vấn về nuôi con hoàn toàn bằng sữa bột tại 1/225 các điểm có dịch vụ DPLNMC. Nếu không đủ điều kiện cho con ăn hoàn toàn bằng sữa bột, các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn theo tư vấn của cán bộ y tế. Tuyệt đối KHÔNG cho trẻ vừa ăn sữa bột vừa bú sữa mẹ, bởi điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm HIV cho trẻ. (Nguồn: Cục Phòng, chống HIV/AIDS) |