Mỗi năm có đến hàng trăm loại đồ chơi mới đổ về các cửa hàng. Đồ chơi mang lại niềm vui và là một phần quan trọng cho sự phát triển của mọi đứa trẻ. Nhưng đồng thời, mỗi năm lại có một số lượng lớn trẻ em phải cấp cứu tại bệnh viện liên quan đến đồ chơi.
Các nhà sản xuất thực hiện những nguyên tắc an toàn nhất định và gắn nhãn đồ chơi theo các nhóm tuổi cụ thể. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất để ngăn ngừa tai nạn là các phụ huynh phải lựa chọn đúng và giám sát kỹ.
Tuổi nào đồ chơi nấy: bạn có thể nghĩ rằng một đứa trẻ cao lớn hơn so với các bạn nghĩa là chúng có thể xử lý đồ chơi cho trẻ em lớn tuổi hơn. Nhưng các độ tuổi cho đồ chơi được xác định bởi các yếu tố an toàn, không phải theo trí thông minh hay sự trưởng thành. Vì vậy luôn đọc nhãn hiệu để đảm bảo một đồ chơi là thích hợp cho lứa tuổi của trẻ.
Chú ý các chi tiết: chọn đồ chơi chắc chắn, đủ để chịu được lực kéo và xoắn. Những đồ chơi dẻo ngậm nướu phải đủ lớn để không bị kẹt trong miệng hoặc họng của trẻ, ngay cả khi vắt hay nén thành một hình dạng nhỏ hơn. Nhớ kiểm tra xem mắt, mũi, các nút, và các bộ phận nhỏ khác có được gắn chặt một cách an toàn để bé không thể tự gỡ ra.
Những đồ chơi không nên mua: tránh các đồ chơi với dây hoặc chuỗi dài, vì có thể khiến trẻ vấp hay quấn cổ. Tránh các đồ chơi bằng nhựa mỏng có thể vỡ thành miếng nhỏ và để lại cạnh răng cưa sắc nhọn. Tránh đồ chơi như còi xe, đàn, hay đồ chơi điện tử có âm thanh quá lớn vì có thể làm tổn hại thính giác nếu bé áp nó vào tai. Tránh bi, tiền xu, những quả bóng có đường kính 4cm hoặc nhỏ hơn, vì chúng có thể làm bé nghẹt thở. Hóc và nghẹt thở là một rủi ro lớn cho trẻ dưới ba tuổi.
Không để trẻ biến những vật nguy hiểm thành đồ chơi: nhiều thứ không phải đồ chơi nhưng cũng có thể cám dỗ trẻ em. Điều quan trọng là phải luôn giữ chúng cách xa bọn trẻ; ví dụ pháo hoa, pin, diêm, quẹt gas, dao kéo và bong bóng (bong bóng chưa thổi hoặc những mảnh vỡ là mối nguy hiểm chết người đối với trẻ). Nghẹt thở là một nguy cơ đặc biệt cho trẻ dưới ba tuổi, bởi chúng thích cho mọi thứ vào miệng.
Hãy chơi cùng với con: trước tiên hãy đọc hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khi bạn đã mua đồ chơi an toàn, cũng cần đảm bảo là trẻ biết cách sử dụng. Cách tốt nhất để làm điều này là giám sát trẻ khi chơi. Chơi với con cũng là dịp dạy cho chúng cách chơi an toàn mà vui vẻ. Nhớ dạy trẻ phải cất dọn đồ chơi.
Kiểm tra thường xuyên: kiểm tra đồ chơi thường xuyên để đảm bảo rằng chúng không bị hư hỏng. Đồ chơi gỗ có thể bị mẻ thành những mảnh vụn. Xe và đồ chơi ngoài trời có thể bị han gỉ. Đồ chơi nhồi bông thường hở đường may. Vứt bỏ hoặc sửa chữa ngay đồ chơi bị hỏng.
Giữ sạch đồ chơi: một số đồ chơi bằng nhựa có thể được làm sạch trong máy rửa chén. Một cách khác là pha xà phòng kháng khuẩn hay nước rửa bình sữa với nước ấm và đồ chơi khoảng nửa tiếng, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Những ghi nhớ khi đi mua đồ chơi cho con trẻ:
- Đồ chơi làm bằng vải nên được dán nhãn là chịu lửa (flame resistant).
- Đồ chơi nhồi bông nên có nhãn giặt được (washable).
- Đồ chơi có sơn màu nên được phủ bằng loại sơn không có chất chì (lead-free).
- Màu vẽ và các dụng cụ mỹ thuật nên có nhãn không độc hại (nontoxic).