“Có hệ thống camera giám sát” là cụm từ thông dụng trong phần giới thiệu của rất nhiều trường mầm non tự nhận là trường “chất lượng cao”. Camera trở thành tiêu chí số một với không ít bậc phụ huynh, đặc biệt là những người trẻ, khi chọn trường cho con em mình. Nhưng xung quanh chuyện camera này có vô vàn chuyện khóc dở mếu dở.
Chỉ chọn trường có camera
Một người mẹ có con 10 tháng tuổi, chưa cho đi trẻ ngày nào, đã phải nghĩ đến chuyện kêu gọi mọi người bỏ tiền mua camera giám sát để lắp trong lớp học. Tâm lý sợ cô giáo đánh con của người mẹ này xuất phát từ một bài báo phản ánh cách giáo dục bằng roi vọt ở trường mầm non.
Trên Webtretho, bằng nick babyanhquan, cô viết: “Từ đó, bé nào cũng ăn được dù là trong sợ hãi, bé nào cũng tăng cân, còn ba mẹ khi thấy con như vậy thì cứ cám ơn cô giáo đó rối rít mà có ngờ… Vậy thì có phải nếu chúng ta có 1 chiếc camera giám sát trong phòng học các bé, có lẽ cô ấy sẽ không dám hành động như thế, dẫu biết bé nào cũng nghịch nhưng việc xử phạt cũng phải “sư phạm” chứ. Đôi khi đơn giản tới mức chiếc camera ấy không cần hoạt động, nhưng sự hiện diện của nó cũng đủ nhắc nhở cho cô giáo ấy là chúng ta luôn theo sát các baby”.
Lời “hiệu triệu” của babyanhquan có sức thu hút rất nhiều ông bố, bà mẹ trẻ. Họ gặp nhau ở suy nghĩ: Để bảo vệ con trẻ, lắp đặt camera trong lớp học là một hành động tích cực, hiệu quả nhất. Ai dám lôi học sinh xềnh xệch đi vào nhà vệ sinh khi các cháu nhỡ tè dầm, ai dám cầm thước gõ vào đầu 5 ngón tay non, nếu có một “giám hộ không lời” là camera gác cửa!
Với vô vàn lý do, camera trở thành lựa chọn số một của những người mất niềm tin vào câu hát “khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”.
“Cũng hay, nhưng em nghĩ cũng buồn cười. Tất cả phụ huynh cùng vào xem con cái mình đang làm gì, giáo viên có “hành hạ” con mình không?”, một thành viên khác hình dung.
Trên thực tế, không cần đến sự phát động phong trào của babyanhquan, nhiều trường mầm non có tên gọi không thuần Việt như American school, Smart Kid, Kindy Garden, Green Garden… đã tự lắp đặt hệ thống camera giám sát ngay trong quá trình hoàn thiện trường.
Nghỉ học vì camera
Cũng như rất nhiều người mẹ trẻ khác, khi chọn trường cho con, chị Hà Phương Thuý (ở khu đô thị Mỹ Đình) coi camera là tiêu chí số một. Cuối cùng, chị chọn trường Sơn Ca. Ngày đầu tiên đưa cu Bi đến lớp Mầm, cả nhà vui như đi hội. Nhưng khi vừa rời tay mẹ, cu cậu thể hiện luôn một bài trường ca đẫm nước mắt (dù ở nhà, cu Bi rất ít khóc). Nhìn thấy cô giáo vỗ về con, chị Thuý yên tâm đi làm. Và việc đầu tiên khi chị đến công ty là mở cái webcam (WC), đánh password (mật khẩu) để vào ngắm con. Trời ơi, cu Bi kia rồi! Cu Bi vẫn còn khóc. Chị Thuý nhìn đồng hồ. Từ lúc vào lớp đến giờ đã gần 2 tiếng trôi qua.
Chưa hết một tuần, từ việc ngày nào cũng muốn đến công ty sớm để ngắm con, tâm trạng của chị Thuý bắt đầu thay đổi theo chiều hướng xấu. Mỗi lần chuẩn bị xem WC, chị luôn hồi hộp, lo lắng, không biết cu Bi nhà mình thế nào, có khóc nữa không… Cuối cùng, chị không còn tâm trạng để ngắm con nữa. Ngày nào cũng phải nhìn con khóc, quá căng thẳng, chị đành cho cu Bi nghỉ với lý do rất… hợp lý: “Thôi, để 3 tuổi, cứng cáp hơn rồi cho nó đi”.
Thế là cu Bi tạm thời “thất học”, ở nhà với ông bà. Chị Thuý nghĩ: “Chắc lần sau gửi Bi đi học, mình sẽ không theo dõi con nhiều như thế”. Tuy nhiên, chị cũng đang “mắc kẹt” trong sự lựa chọn của mình. Theo sự tìm hiểu của chị, tất cả những trường mầm non được coi là chất lượng cao ở khu đô thị Mỹ Đình, nơi chị đang sinh sống, đều trang bị camera giám sát.
Hội chứng “nghiện” camera
Chị Giáng Ngọc ở ngõ 191 Lạc Long Quân kể: “Con tôi học ở trường làng, cái ti vi cũng không có chứ nói gì đến camera. Nhưng tôi thấy như thế lại hoá hay. ở cơ quan tôi có một anh gửi con ở trường tính học phí bằng USD. Ngày nào cũng vậy, tôi thấy anh ngồi trước màn hình máy vi tính chủ yếu để theo dõi con trên lớp. Dường như anh phải để tâm đến lớp học của con nhiều hơn những người bình thường, anh rất hay gọi điện đến trường, trao đổi với thầy cô”.
Cũng quanh chuyện “nghiện” camera này, trên diễn đàn lamchame.com, một phụ huynh ở thành phố Hồ Chí Minh nói về sự cố cười ra nước mắt. Hôm ấy, như thường lệ, chị bật WC để xem con học hành thế nào. Chị giật mình vì thấy con khóc cả tiếng đồng hồ rồi mà chẳng có ai đến dỗ cả. Các cô đi đâu, làm gì mà để thằng bé khóc mãi vậy? Thiếu chút nữa thì chị bỏ việc cơ quan, lao đến lớp học để giải toả những bức xúc trong lòng. Cũng may, khi gọi điện đến trường, chị được biết đường truyền bị lỗi nên hình ảnh con chị khóc bị lưu lại đến cả tiếng đồng hồ. Trên thực tế, con chị đã quay ra chơi với các bạn từ lâu rồi.
Chị Khanh có con học ở trường Green Garden (khu đô thị Mỹ Đình, Sông Đà) kể: “Lớp của Cún có lắp camera. Tháng đầu con mới đi học thì hào hứng với cái camera lắm, nhưng giờ chả mấy khi ngó ngàng đến. Thực tế là camera giống như cái webcam bé tí xíu ấy, nhìn căng hết cả mắt mới thấy con mình, lại không có tiếng nên có xem cũng chả biết cô trò đang nói gì. Một số người nghĩ camera để nhà trường giám sát giáo viên, tôi cũng chẳng hiểu có phải thế không nữa”.
Với camera giám sát, các bậc phụ huynh chỉ nhìn được hình ảnh mà không nghe thấy âm thanh. Nó giống như việc xem phim “câm”, nên mới xảy ra những sự cố kể trên. Vậy nhưng, kỳ vọng vào những thước phim câm này vẫn tràn ngập trong lòng các ông bố, bà mẹ. Chị Nguyễn Thị Huyền, người quản lý ở trường mầm non Tô – mô – ê (Trung Hoà – Nhân Chính) kể: “Thời gian đầu, các phụ huynh liên tục gọi điện đến trường phàn nàn về việc đường truyền bị lỗi. Khi chúng tôi cho nâng cấp hệ thống camera, mọi người mới yên tâm”.