Hỏi: Em gái tôi vừa sinh con được 2 ngày tuổi. Quan sát kỹ bé tôi thấy có nhiều nốt sần sùi trên mặt và da có màu hơi ngả vàng. Tôi nghe nói nếu bị vàng da nặng em bé có thể bị tổn thương não không phục hồi… Tuy nhiên, những người lớn tuổi khẳng định, em bé nào sinh ra cũng vậy, chỉ vài ngày là khỏi. Vậy xin hỏi, có dấu hiệu sớm nào để phân biệt giữa vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý để chúng tôi có thể kịp thời đưa bé đi khám?
Nếu được xác định vàng da bệnh lý, em bé sẽ được điều trị bằng phương pháp chiếu đèn và tình trạng vàng da sẽ lui hoàn toàn, không để lại di chứng gì cho sức khỏe bé. |
Trả lời: Đúng là ở trẻ sơ sinh, hiện tượng vàng da rất phổ biến. Hầu hết trẻ sơ sinh sau sinh từ 2 – 3 ngày là bị vàng da, sau đó mức độ tăng dần cho đến ngày thứ 7 – 10 rồi hết. Nguyên nhân là do các hồng cầu trong máu bị vỡ quá nhanh, chuyển hoá thành Bilirubin – một chất có sắc tố màu vàng. Bilirubin càng nhiều trong máu, mức độ vàng da càng nặng hơn.
Với vàng da sinh lý, chất Bilirubin ở giới hạn thấp nên không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ. Còn với vàng da bệnh lý, chất bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, gan không đào thải kịp, bilirubin có nguy cơ thấm vào não (vàng da nhân) gây tổn thương não không hồi phục được. Vì thế, nếu xác định vàng da bệnh lý phải điều trị trước 7 ngày sau sinh để phòng nguy cơ tổn thương não.
Việc phân biệt được vàng da sinh lý và bệnh lý có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng ranh giới giữa bệnh lý và sinh lý rất mong manh. Vậy nên, cha mẹ cần quan sát kỹ trẻ với các dấu hiệu sau:
– Hầu hết trẻ sơ sinh sau 2 – 3 ngày là bị vàng da sinh lý, còn nếu bị vàng da trong 1- 2 ngày sau sinh thì gần như 80 – 90% là vàng da bệnh lý. Còn trẻ sơ sinh sau ngày thứ 3 mới bị vàng da thì ít nguy hiểm hơn nhưng vẫn phải luôn quan sát để ý. Đặc biệt phải quan tâm đến vàng da ở trẻ sinh non vì não của những trẻ này chưa hoàn thiện nên dù lượng bilirubin dù thấp hơn ngưỡng cho phép thì đã phải chiếu đèn điều trị.
– Trẻ sẽ bị vàng da toàn thân, nhưng quan sát bằng mắt thường thì vàng da biểu hiện ở phần đầu nhiều nhất. Nếu chỉ vàng da ở trên đầu, nói chung là mức độ nhẹ. Nhưng nếu thấy vàng da ở bụng, rồi xuống tới chân thì mức độ bệnh đã rất nặng, cần phải đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám, xác định. Tốt nhất, thấy da vàng rõ ràng đến phần ngực, bụng thì cần đưa bé tới viện ngay.
Để phát hiện vàng da sớm, nên cho trẻ nằm ở phòng đủ ánh sáng tự nhiên, thường xuyên bế trẻ ra chỗ sáng để kiểm tra da toàn thân. Cũng có thể kiểm tra độ vàng da khi tắm cho trẻ, nhưng cần lưu ý kiểm tra trước khi cho bé xuống nước. Với trẻ sơ sinh, do da trẻ đỏ hồng hoặc đen khó nhận biết nên có thể dùng mẹo, lấy một ngón tay đè xuống vùng da của bé để làm giãn các mạch máu. Sau khi bỏ tay lên, vùng da đó trắng thì không sao, còn nếu thấy hơi có màu vàng thì cần theo dõi….
– Nếu trẻ vàng da chỉ ở phần đầu, nhưng là trẻ sinh non, hoặc vàng da phần đầu, ngực nhưng lại có các triệu chứng nôn trớ, bú khó khăn, bú kém, hay quấy, khóc, ngủ li bì hay có bất cứ những dấu hiệu nghi ngờ khác thì hãy đưa trẻ đi khám ngay lập tức. Mức độ nặng hơn trẻ có thể bị co giật, li bì, hôn mê, bỏ bú nhưng thường ít số. Đây là những biểu hiện sớm cho thấy vàng da đã có thể ảnh hưởng đến não.
Các bà mẹ luôn cần ghi nhớ, giữa ngưỡng vàng da sinh lý đến bệnh lý rất mong manh. Hơn nữa, có những bé dù không có triệu chứng của vàng da, không nôn, vẫn chơi bình thường nhưng chất Bilirubin đã thấm vào não. Vì thế, có điều kiện, tốt nhất cho con tới viện khám để được lấy máu kiểm tra. Nếu bilirubin đến ngưỡng quy định bé sẽ được chiếu đèn điều trị. Được điều trị đúng cách, trẻ sẽ hết vàng da và không để lại bất cứ di chứng gì cho sức khoẻ của trẻ sau này.
le khoa đã bình luận
chào bác sĩ !
con của em lúc mới sinh thì cháu bị vàng da sau 2 tuần da vùng thân hết vàng nhưng hơn 1 tháng rồi mà da vùng mặt và cổ vẫn vàng là sao ạ? hiện tượng này nó có nguy hiểm đến sức khỏe của cháu ko?
Bác sỹ có thể chỉ cách cho em giúp da của bé hết vàng được không ạ!
cám ơn bác sĩ!
Nguyễn Đình Thái đã bình luận
Con tôi sinh được 2 ngày tuổi. khi sinh ra quan sát cháu đã có biểu hiện vàng ra và cháu hay quấy khóc. tôi cho cháu chuyển sang khoa nhi (điều trị bằng ánh sáng) nhưng cháu quấy khóc quá không tài nào điều trị nổi. Vì thương con lại đành xin các bác sĩ cho ra. Tôi xin hỏi các Bác sĩ còn cách nào giúp con của tôi không?
nguyen thi hoan hai đã bình luận
Chao bac si ! Toi co mot be gai duoc 14thang tuoi. Khoang 2 tuan nay chau co hien tuong vang da. Nhat la o gan ban chan va gan ban tay vang nhu nghe. Toi xin duoc hoi co phai do toi cho chau an du du va ca rot nhieu qua cho nen chau co hien tuong nhu tren khong. Hien tai chau sinh hoat binh thuong van an ,ngu tot va ngoan. Chau duoc 12kg va cao 83cm
Tiến đã bình luận
Con tôi có hiện tượng vàng da, đọc trên mạng mấy thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh (ảnh hưởng đến não), bệnh như vậy mà ko hề thấy các bác sĩ ở bệnh viện Phụ sản khuyến cáo, tôi được biết ở nước ngoài họ giữ mẹ con sau khi sinh 4 ngày để kiểm tra bệnh này, còn ở VN thì 1 ngày là cho về, với một câu của bác sĩ là thấy hiện tượng lạ thì đưa con lại BV khám, chẳng có lấy hướng dẫn hay khuyến cáo cụ thể nào về các bệnh sau sơ sinh, đặc biệt bệnh vàng da này, thật đáng buồn BV và trách nhiệm y bác sĩ
Lê Thị Thanh Hà đã bình luận
Chào bác sĩ!
Tôi mới sinh cháu trai đến nay là được 21 ngày, cháu bú mẹ và ngủ tốt không quấy, tuy nhiên mấy hôm nay nhìn mặt cháu tôi thấy có hiện tượng màu vàng, tay chân thì trắng trẻo không có biểu hiện màu vàng, tôi cũng đã thử ấn tay vào da mặt cháu để kiểm tra vàng da, nhưng thấy da đàn hồi tốt không có dấu hiệu màu vàng. Tôi lo lắng cháu bị bệnh vàng da, bác sĩ có thể cho tôi lời khuyên được không?
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Nếu vàng da bệnh lý thường vàng liên tục từ sau khi sinh và tăng dần. Bạn nên kiểm tra xem mẹ bé có nhiều dùng nhiều nghệ quá không (các bà mẹ sau sinh hay ăn nghệ, bôi nghệ). Nên kiểm tra dưới ánh sáng mặt trời mới chính xác được. Nếu vàng cả bụng, lưng thì nên vào BV ngay để XN máu định lượng Bilirubin. Nếu bé vẫn bú tốt thì không có gì đáng lo ngại. Chú ý cho bé tắm nắng.
Lê Thị Thanh Hà đã bình luận
Cảm ơn Bác sĩ, có 10 ngày tôi bôi nghệ và 1 ngày uông nghệ. Sau nhận thấy da cháu vàng tôi đã dừng lại. lưng và bụng không có hiện tượng vàng. Hiện tôi cho cháu uống bổ sung vitamin D. Hy vọng cháu sẽ không làm sao cả.
Sisi đã bình luận
con em sinh 3 ngày bị vàng da, có hiện tượng co giật, chỉ số vàng da (bilirubin) là 17,9. cho em hỏi chị số này là nặng hay nhẹ ? có ảnh hưởng gì đến não sau này không ? nếu điều trị thì bao lâu sẽ khỏi vàng da ?
Xin cám ơn BS.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn nhớ phải xác nhận hộp thư nhé. Nếu điều trị kịp thời và tích cực thì không để lại di chứng não. Trách nhiệm của bạn là phải ăn uống tốt để nhiều sữa cho bé ăn, bé nhận được nhiều kháng thể và chất bổ dưỡng từ mẹ sẽ tăng cường thể lực chống đỡ bệnh tật. Trẻ vàng da có thể xuất phát ban đầu do không được bú sữa mẹ, phân su ứ đọng gây vàng da, sau nặng dần lên nhanh chóng trong vài ba ngày. Thời gian điều trị có thể vài ba ngày chiếu đèn, có thể 1 tuần tùy theo mức độ nặng nhẹ và phục hồi của bé, sau đó còn phải theo dõi nếu bé bú tốt, đái ỉa tốt mới về được. Bạn chú ý có chế độ tắm nắng cho bé hàng ngày 5-10 phút trong tháng đầu, sau tăng thời gian theo tháng tuổi.
hong duy đã bình luận
Chào bác sĩ
Hôm nay con tôi được 47 ngày, vừa làm xét nghiệm vàng da, kết quả như sau:
BILI TP 160.81 (Giá trị bình thường : 5.10 – 20.50)
BILI TT 13.85 (Giá trị bình thường : 0.10 – 3.40)
BILI GT 146.96 (Giá trị bình thường : 0.00 – 13.70)
AST(GOT) 49 (Giá trị bình thường : 15 – 60)
ALT(GPT) 27 (Giá trị bình thường : 13 – 45)
ALP 203 (Giá trị bình thường : 82 – 383)
GGT 74 (Giá trị bình thường : 5 – 39)
Xin hỏi bác sĩ kết quả như trên có bị bệnh vàng da không? hướng điều trị thế nào?
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Các thông số men gan của bé bình thường (GOT và GPT), các chỉ số về mật đều rất cao. Bạn nên cho bé khám chuyên khoa tiêu hóa gan mật của BV Nhi TƯ sớm.