Bố hi sinh từ trong chiến tranh, nhà nghèo, nhưng với tình yêu thương của người mẹ, cô Vũ Thị Luyến đã sưởi ấm cho biết bao tâm hồn trẻ em khuyết tật. Trong lòng các em, cô như người mẹ hiền.
Chúng tôi tìm về Thôn 1, xã Hà Lai, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) tìm vào nhà cô giáo Vũ Thị Luyến. May mắn được dùng bữa cơm đạm bạc cùng cô và nghe cô kể về sự nghiệp giảng dạy cũng như cuộc đời mình.
Thương các em như chính con mình
Từ ngày mới sinh ra, người bố đã hi sinh ngoài chiến trường, cô chưa một lần được nhìn thấy mặt bố. Mẹ đi bước nữa với một người hơi ngớ ngần nên cuộc sống gia đình khó khăn chật vật. Từ nhỏ, cô đã phải tự bươn chải kiếm tiền nuôi sống bản thân và đi học.
Cô Luyến dành nhiều tình cảm cho cậu con nuôi Mai Anh Vũ
Tốt nghiệp lớp sư phạm 12+2 rồi về dạy tại trường THCS Hà Thanh. Thời gian sau cô lại được chuyển về dạy trường THCS Hà Lai. Về trường, cô được giao chủ nhiệm lớp 1 kèm theo một số học sinh khuyết tật (thiểu năng trí tuệ). Ban đầu chưa nắm bắt được tâm lý của các em học sinh khuyết tật nên cô gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy. Nhiều hôm đang giữa giờ học, những em học sinh này đi lại, cười nói trong lớp một cách tự nhiên. Nhiều em còn đi vệ sinh ngay trong lớp, cô lại phải dọn dẹp.
“Nhiều lần tôi đã phát khóc vì có 6 buổi học trong tuần thì cả 6 buổi các em đi vệ sinh ngay trong lớp. Phải làm vệ sinh cho các em xong rồi mới tiếp tục bài giảng. Sợ ảnh hưởng đến chất lượng tiếp thu bài của các em học sinh khác nên cũng lo lắng”, cô Luyến chia sẻ.
Nhưng bằng tình yêu thương và đồng cảm của một người mẹ với những hoàn cảnh thiếu may mắn trong cuộc sống nên cô đã dần cảm hóa và dạy giỗ các em trở thành con người có ích, biết tư duy. Mỗi lần các em đứng lên cười nói, chạy nhảy và la hét trong lớp, cô không cáu gắt mà bằng tình cảm của một người mẹ để khuyên nhủ các em. Không những thế, cô còn ôm ấp, hôn lên đầu em rồi giỗ dành cho đến khi các em cảm nhận được hơi ấm và tình cảm của người mẹ hiền.
Hay những giờ ngoại khóa, ra chơi cô lại ngồi bên các em vỗ về, trò chuyện với các em nên cô rất hiểu tâm lý của từng em. Vì vậy cô không còn gặp nhiều khó khăn trong việc bấm giờ đi vệ sinh của các em hay những phút các em không làm chủ được bản thân nữa.
Hơn ai hết, cô lo và chăm sóc các em đến từng việc nhỏ nhặt nhất. Từ đồng lương ít ỏi của một giáo viên, cô dành một phần để mua quần áo, khăn mặt, xà phòng, các đồ dùng học tập để chăm lo cho các em học sinh khuyết tật.
Cô là người mẹ hiền của những em học sinh khuyết tật
Bằng tình yêu thương của mình, cô đã nuôi dạy nhiều học sinh khuyết tật hòa nhập với cộng đồng và tiếp tục học lên cao. Trong số đó, có em Mai Anh Vũ là một học sinh thiểu năng trí tuệ nặng nhất. Đến nay, Vũ đã học lên lớp 4. Thương và đồng cảm với hoàn cảnh nghèo khó của Vũ giống mình ngày nhỏ nên cô Luyến đã nhận em làm con nuôi, hàng ngày đưa đón em đi học trên chiếc xe đạp cũ kỹ thay bố mẹ em.
Chị Tĩnh, mẹ của Vũ tâm sự: “Vũ về khoe với tôi là nó có hai mẹ. Ở nhà có mẹ Tĩnh, lên lớp có mẹ Luyến. Cháu nó còn chạy đi khoe với ông bà và các bạn trong lớp”.
Chắt chiu từng niềm vui nhỏ nhặt
Dạy các em khuyết tật bao nhiêu năm qua nên cô Luyến được nhà trường tin tưởng và giao cho trọng trách dạy giỗ các em. Tâm huyết với nghề và yêu mến các em học sinh như con nên cô rất vui vẻ và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền cô là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Từ những thành tích đạt được và sau 3 năm thực hiện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cô Luyến đã được UBND huyện tặng giấy khen và UBND tỉnh tặng bằng khen.
Cô Luyến bên những thành tích mà mình đã đạt được
Những năm qua, 3 mẹ con cô Luyến sống trong cảnh không nhà, không cửa vì đứt gánh giữa chừng với người chồng rượu chè. Mặc dù gặp biết bao khó khăn và cơ cực về miếng cơm, manh áo nhưng cô Luyến vẫn không lùi bước mà tiếp tục cố gắng. Cô chắt chiu từng niềm vui nhỏ nhặt trong cuộc sống gia đình với con cái và các em học sinh khuyết tật. Thương mẹ vất vả, hai người con của cô rất ngoan và chăm chỉ học hành. Người con đầu là Phạm Tuấn Khiêm đã học xong nghề sữa chữa điện tại trường Trung cấp Tam Điệp nhưng hiện tại vẫn chưa xin được việc. Người thứ hai là Phạm Quốc Huy đang học năm thứ 3 trường ĐH Công Đoàn.
Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô giáo trong trường và vay mượn thêm tiền ngân hàng, cô cũng đã xây được một ngôi nhà nhỏ làm chỗ tránh mưa, tránh nắng cho cả gia đình.
Niềm vui duy nhất trong cuộc sống của cô là mỗi lần các con đi xa về, nhìn các con khôn lớn, ăn học nên người và được nhìn các em học sinh hàng ngày trên lớp. Chia tay với chúng tôi, cô Luyến chia sẻ: “Cô chỉ mong mình còn sức khỏe để tiếp tục được cống hiến sức mình vì hoàn cảnh của các em học sinh khuyết tật và nhìn thấy các con ăn học nên người, có cuộc sống ổn định”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:1. Cô giáo Vũ Thị Luyến:Thôn 1, xã Hà Lai, huyện Hà Trung (Thanh Hóa). 2. Quỹ Nhân ái – Báo Khuyến học và Dân trí – Báo điện tử Dân trí (Hà Nội) Số 2/48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh cây xăng Kim Mã) * Tài khoản VNĐ: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639 Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Hoàn Kiếm * Tài khoản USD: Tên TK : Báo Khuyến học & Dân trí Số TK : 045 137 195 6482 SWIFT Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0451 001 944 487 Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thành Công 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: 40/17/16 Nguyễn Văn Đậu, phường 6 quận Bình Thạnh. Tel: 08. 35107. 331 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 071.3.733.269 |