Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã phẫu thuật thành công cấy điện cực ốc tai cho năm bệnh nhi bị điếc bẩm sinh, nhằm giúp các em có thể nghe, nói được trở lại.
Ốc tai điện tử là một bộ phận trợ thính, thay thế các tế bào lông trong bị tổn thương của tai. Nó kích thích các sợi thần kinh thính giác, cho phép người bệnh tiếp nhận được âm thanh. Tuy mang lại hiệu quả tích cực với trẻ khiếm thính, nhưng phương pháp này không được chỉ định rộng rãi mà chỉ áp dụng với những trẻ bị điếc nặng, các biện pháp trợ thính khác không hiệu quả. Ngoài ra, phải bảo đảm ốc tai còn nguyên, dây thần kinh thính giác phải còn thì ca cấy ghép mới thành công.
Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, GS Nguyễn Thanh Liêm, sau khi thực hiện cấy ốc tai điện tử thành công, bệnh nhi còn phải tiếp tục quá trình luyện đeo máy, dạy nói… Ðến khi bé nghe nói được, phát triển ngôn ngữ gần như bình thường thì mới khẳng định ca phẫu thuật thành công. Ðộ tuổi tốt nhất để thực hiện phẫu thuật này là từ 12 tháng đến 3 tuổi, vì đây là giai đoạn phát triển về thần kinh thính giác, ngôn ngữ ở trẻ. Thiết bị này được sử dụng suốt đời. Tuy nhiên, sau khi trẻ nghe được âm thanh thì gia đình phải tiếp tục dạy để trẻ hiểu được âm thanh, lời nói như người bình thường. Ðây là quá trình cần phải có sự kiên trì của gia đình.
Tàu hỏa chạy bằng đi-ê-den sinh học
Nhật Bản vừa trình làng một sản phẩm công nghệ mới thân thiện với môi trường, đó là chiếc tàu hỏa chạy bằng dầu đi-ê-den sinh học (BDF) đầu tiên tại thành phố Ka-sai, thuộc tỉnh Hi-ô-gô. Loại tàu này chạy bằng một loại dầu ăn đã qua sử dụng, được tinh chế và hoàn toàn không độc hại. Tàu được vận hành vào các ngày cuối tuần. Hồi tháng ba, thành phố Ka-sai cho thu gom các loại dầu ăn đã qua sử dụng từ các hộ gia đình, nhà hàng ăn ở thành phố này và chế được khoảng 74.000 lít dầu đi-ê-den sinh học. Nhân sự kiện đặc biệt này, nhà ga Hô-dô-ma-chi đã huấn luyện hai chú khỉ con mang tên Nehime và Ra-kan thành những ‘nhân viên quản lý’. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng hai chú khỉ này ‘làm việc’ mỗi tháng một lần.
Sản xuất đi-ê-den sinh học từ nấm
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Năng lượng và nhiên liệu của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, trong quá trình tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế để sản xuất đi-ê-den sinh học, ngoài đậu tương, cọ và các loại thực vật chứa dầu có thể dùng làm thức ăn, còn có một loại nguyên liệu nhiều hứa hẹn: nấm hay mốc. Ðây là loại vật liệu tạo ra lượng lớn đi-ê-den sinh học thân thiện với sinh thái với giá thành thấp. Những vi sinh vật như nấm chiếm rất ít diện tích để sinh trưởng là những ‘ứng cử viên’ lý tưởng. Tuy nhiên, đầu tiên các nhà khoa học phải tìm ra loại nấm có thể tạo ra một lượng lớn dầu đi-ê-den sinh học. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã mô tả quá trình chuyển hóa dầu từ một loại nấm có tên khoa học là Mucor circinelloides thành đi-ê-den sinh học thậm chí không cần chiết xuất dầu từ những cây trồng đang phát triển. Ði-ê-den sinh học thu được từ nấm đã đáp ứng yêu cầu thương mại của Hoa Kỳ và châu Âu và có thể được sản xuất trên quy mô thương mại.