Bệnh giang mai vốn dĩ đã là mối lo của những người khỏe mạnh. Với những bà bầu, căn bệnh này không những ảnh hưởng đến mẹ mà còn có nguy cơ lây truyền sang cả đứa con trong bụng.
Giang mai là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, do vi khuẩn xoắn Treponema pallidum gây ra. Đây là một bệnh lây nguy hiểm, quan trọng hàng thứ nhì chỉ sau AIDS.
Giang mai có thể gây ra nhiều biểu hiện và tổn thương ở khắp nơi của cơ thể tùy theo diễn tiến bệnh: da, niêm mạc, cơ, xương, nội tạng, nhất là tim mạch và thần kinh. Có dạng giang mai bẩm sinh do mẹ lây qua con trong thời gian mang thai.
Những chị em khi mang thai mà chẳng may bị giang mai nhưng lại không chữa trị đến nơi đến chốn thì nguy cơ truyền lây nhiễm cho đứa trẻ trong bụng là khó tránh khỏi.
Theo nghiên cứu thì tỉ lệ tử vong của những đứa trẻ nằm trong bụng những bà mẹ bị giang mai khi mang bầu là khoảng 25%. Tỉ lệ truyền bệnh giang mai cho thai nhi rơi vào khoảng 40 đến 70%.
Trong số những đứa trẻ không may mắn bị mắc bệnh này, một số trẻ sơ sinh có biểu hiện phát bệnh ngay khi vừa sinh ra. Còn lại hầu hết các triệu chứng này sẽ phát triển rõ khi trẻ được hai tuần hoặc ba tháng. Những triệu chứng dễ thấy bao gồm phát ban, đau ngoài da, sốt, mệt mỏi hoặc khóc khàn giọng.
Bác sĩ thăm khám sẽ thấy các bé có biểu hiện sưng gan và lá lách, vàng da, thiếu máu và một loạt các dấu hiệu khác. Do vậy, việc chăm sóc trẻ bị nhiễm giang mai phải hết sức cẩn thận và chú ý, nếu không sẽ nhiễm trùng nặng hơn.
Cũng có khi có một vài trường hợp các dấu hiệu của bệnh không phát ra ngoài khi ở trẻ sơ sinh. Mầm mống bệnh ẩn giấu bên trong cho đến khi trẻ lớn hơn hoặc khi vào tuổi thành niên thì các triệu chứng bệnh chuyển sang giai đoạn sau và rất có thể sẽ ảnh hưởng đến xương khớp, răng lợi, mắt, tai và não bộ.
Do vậy, khi mang thai, nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến bệnh giang mai hay các bệnh khác, chị em nên khám và điều trị cẩn thận, tránh gây lây truyền và ảnh hưởng đến con cái về sau.