TP Quy Nhơn (Bình Định) hiện có nhiều trẻ em từ huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên) đến xin ăn. Lần theo đường dây này, phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM phát hiện một đường dây chăn dắt trẻ xin ăn quy mô lớn.
Những đứa trẻ cỡ 5-7 tuổi ngày ngày đi xin theo một lộ trình đã được vạch sẵn, với một mức thu đã được định sẵn… Cứ tầm 10 giờ sáng trở đi, TP Quy Nhơn (Bình Định) lại xuất hiện nhiều nhóm trẻ, mỗi nhóm 2-5 em, xuất hiện tại các quán ăn, khu vực đông người để ăn xin.
Sau khi xin tiền, 2 đứa trẻ phải đưa cho bà Sáu
Anh em ruột… khác cha khác mẹ (!)
Một buổi chiều trung tuần tháng 10-2010, tại một quán nhậu trên đường Diên Hồng, bốn đứa trẻ sàn tuổi nhau, khoảng từ sáu đến tám tuổi, lầm lũi chia nhau đến các bàn ăn chìa tay chờ thực khách cho tiền. Chúng tôi gọi cả bốn đứa trẻ đến cho tiền để hỏi chuyện, bảo ngồi ghế nhưng không em nào dám. Chúng lấm lét nhìn ra đường, một em bảo: “Con không dám ngồi đâu, mẹ đánh chết!”.
T., đứa lớn nhất trong nhóm, cho biết các em ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân. Khi chúng tôi hỏi bốn em là gì với nhau, T. ngập ngừng bảo: “Là anh em ruột” nhưng đứa nhỏ nhất lại nhìn T. với ánh mắt lạ lẫm. Khi chúng tôi hỏi: “Cha mẹ đâu mà đi ăn xin?”, T. nói như thuộc lòng: “Cha cháu bỏ đi xa rồi. Mẹ làm không đủ ăn”. Nhưng khi được hỏi “Ai đưa các cháu ra đây ăn xin?”, cả bốn đứa đều im lặng, ngoảnh đi nơi khác.
Chỉ vài phút sau, một phụ nữ hơn 40 tuổi, tay xách giỏ bất ngờ xuất hiện. Mặt lạnh tanh, bà vừa lườm mấy đứa trẻ vừa lôi chúng đi. Chúng tôi chạy theo, chìa ra một tấm ảnh bảo đang đi tìm đứa cháu, nhờ bà chỉ giúp. Người phụ nữ chỉ liếc qua tấm ảnh rồi lắc đầu vội vã bỏ đi. Khi chúng tôi cố bắt chuyện, bà cho biết cả bốn đứa trẻ đều là con bà, rồi nói như giải thích: “Chồng tui bỏ đi. Mình tui làm rẫy không đủ ăn, tranh thủ đưa mấy đứa nhỏ đi xin ít tiền mua gạo”. Nói rồi bà quày quả dắt mấy đứa trẻ đi. Đến ngã sáu, bà lui vào một con hẻm, ra hiệu cho mấy đứa trẻ chia nhau vào các quán.
5 giờ chiều trở đi, hàng chục nhóm trẻ nói tương tự tỏa vào các quán ăn, giải khát dọc bờ biển ven đường Xuân Diệu, sau đó tràn dần lên các đường Diên Hồng, Ngô Văn Sở, khu cà phê đường Phạm Hùng…
Bà Sáu chăn dắt
Tối 20-10, tại một quán giải khát trên đường Xuân Diệu, chúng tôi bắt chuyện với hai bé gái. Bé lớn tên H., tám tuổi; bé nhỏ tên Tr., mới năm tuổi. Bé Tr. ngây thơ: “Cha mẹ đang ở nhà, con theo bà nội đi xin”. Như chợt nhớ ra, bé lại nói: “Bà nội đang đi xin ở khu khác”. Vừa lúc đó, người phụ nữ hôm trước – mà nhiều em gọi là bà Sáu – bất ngờ xuất hiện. Chúng tôi lại theo bắt chuyện. Lúc đầu bà Sáu không nhận ra chúng tôi nên giải thích: “Tranh thủ cuối tuần hai đứa con nghỉ học nên đưa xuống Quy Nhơn đi xin kiếm cái ăn chứ ở nhà khổ quá!”. Nhưng khi nhận ra “người quen”, bà vội vàng dắt hai đứa nhỏ đi.
2 đứa trẻ bị dắt đi xin ăn suốt đêm
Bà Sáu ra hiệu cho hai đứa trẻ tiếp tục vào các quán nhậu để xin tiền, còn bà ngồi nép ở ghế đá ven đường đợi. Cứ xin xong quán nào, hai đứa trẻ lại chạy ù ra đưa tiền ngay cho bà Sáu. Khi phát hiện chúng tôi chụp ảnh, bà Sáu lại vội dắt hai đứa trẻ trốn vào một con hẻm. Sau khi quan sát xung quanh, bà Sáu dắt hai đứa trẻ mất hút vào một căn nhà nhỏ ở cuối một con hẻm tối đen, chật hẹp. Lần dò qua nhiều đứa trẻ, chúng tôi được biết bà Sáu quê ở Bình Định nhưng không rõ huyện nào. Trước đây có thời gian bà đi làm ăn xa, gần đây mới đến Quy Nhơn chăn dắt những đứa trẻ ăn xin. Hầu hết những đứa trẻ đều sợ người đàn bà này.
Bí mật ở xóm Ga, xóm Bầu
Phần lớn những đứa trẻ ăn xin ở TP Quy Nhơn đều cho biết chúng đến từ huyện miền núi Đồng Xuân. Nhiều em tiết lộ là có một số “dì” từ nơi khác đến nói chuyện với gia đình, cha mẹ cho “dì” đưa các em đến Quy Nhơn ăn xin. “Dì nói cứ yên tâm đi xin thật nhiều, hằng tháng có người mang tiền gửi về nhà và được “dì” cho ăn ngon” – bé M. ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân kể.
Bí mật đi theo một phụ nữ chăn dắt mấy nhóm trẻ ăn xin, hơn 10 giờ đêm, chúng tôi đi vào những hẻm đất lầy lội nằm ven con sông nhỏ, tối đen với những ngôi nhà nhỏ, ẩm thấp của xóm Ga cũ thuộc phường Lê Hồng Phong. Đây là nơi tập trung của các nhóm trẻ ăn xin. Cứ sau 10 giờ đêm, những nhóm trẻ lần lượt trở về. Buổi sáng, các em được ngủ đến 9 giờ, sau đó theo các “mẹ” hoặc các “anh” ăn xin.
Những người đàn bà chăn dắt sau khi “lùa” trẻ về xóm thì mất dạng. Bên kia xóm Ga cũ là xóm Chợ Bầu cũng có những căn nhà nhỏ cho thuê ẩm thấp, cũng là nơi tập trung của nhiều nhóm trẻ ăn xin. Mọi sinh hoạt, giờ giấc đi về của những đứa trẻ ở xóm Chợ Bầu cũng giống hệt như xóm Ga cũ. Nhiều đứa trẻ tiết lộ mỗi tối sau khi thu tiền về, những phụ nữ này hay đến gặp các “chú”, các “ông” nhưng chúng không rõ là ai. Những “chú”, những “ông” này ít khi xuất hiện nhưng mỗi khi nhắc đến họ, đám trẻ đều tỏ ra sợ hãi.