Lần về quê của những đứa trẻ đang ăn xin ở Quy Nhơn (Bình Định), chúng tôi ngược lên xã miền núi Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên). Địa phương này giáp ranh với huyện Vân Canh (Bình Định). Cách đây không lâu, chính quyền xã Xuân Lãnh đã phải thuê hai chiếc xe khách vào Nha Trang (Khánh Hòa) để đưa hàng chục trẻ em, phụ nữ của địa phương đang ăn xin về làng.
“Sợ gì”
Ở thôn Soi Nga, xã Xuân Lãnh, giáp ranh với tỉnh Bình Định, khi nghe chúng tôi tìm hiểu về những gia đình có con em đi ăn xin, hầu như chẳng ai ngạc nhiên. Chị Chu Lan M’Xuân (30 tuổi) nói: “Ở đây trẻ em đi ăn xin nhiều lắm. Trẻ đi theo mẹ cũng có mà theo người khác cũng có”. Chỉ loanh quanh láng giềng của chị M’Xuân đã có năm gia đình có trẻ đi ăn xin. Trong đó có những đứa trẻ mới vào học lớp 1 vài tháng đã nghỉ học đi xin như cháu PT, con của bà MTM. Có những gia đình có ba người đang ăn xin ở Quy Nhơn như bà T.Ng dẫn theo con gái và cả cháu ngoại…
Nhiều người ở thôn Soi Nga khẳng định gần đây có hai phụ nữ quê ở Bình Định thường xuyên đến Xuân Lãnh dụ dỗ đưa trẻ đến Quy Nhơn ăn xin. Một người tên là PTT, trên 35 tuổi, có chồng ở thôn Soi Nga. Người còn lại là NTKT, gần 50 tuổi, hay qua lại làm ăn ở Xuân Lãnh. Bà Mang Thị K. cho biết: “Bà PTT thường đến các gia đình đang túng quẫn hay có con em bị tàn tật bảo để giúp đỡ đưa đến Quy Nhơn ăn xin. Hằng ngày bà lo cho ăn uống, hằng tháng gửi tiền về nhà. Nhiều người tin bà lắm vì lâu lâu bà cũng có gửi tiền về, thỉnh thoảng đưa mấy đứa trẻ về thăm nhà. Mỗi lần về bà lại dắt thêm vài đứa khác”.
Phóng viên lân la gặp một nhóm trẻ em, phụ nữ ăn xin.
Còn bà NTKT thì đến các thôn Soi Nga, Da Dù (thuộc xã Xuân Lãnh) đưa đi cả phụ nữ và trẻ em tàn tật. Một số người cho biết bà này rất hung dữ, nhiều người sợ nhưng tin bà vì bà “chỉ chỗ, bày cách để xin được nhiều tiền”. Ông Mang BT ở thôn Soi Nga cho biết: “Mỗi lần đưa đi bà NTKT bao luôn tiền xe đò”. Khi chúng tôi hỏi: “Bà con không sợ mấy bà đó bắt cóc trẻ em sao?”, nhiều người vô tư trả lời: “Mấy bà đó có người quen ở đây, lại hay về đưa tiền mà!”.
Bóc lột con cái
Theo ông Mang Hận, phó thôn Soi Nga, đa số trẻ em đi ăn xin theo sự rủ rê của bạn bè, trong đó có cả những em đang đi học. Trong số những phụ nữ đi ăn xin, ngoài những người tàn tật không làm việc được thì đa số là do lười lao động. Nhiều gia đình không đến nỗi thiếu ăn nhưng vẫn cho con cái đi ăn xin.
Ông Hận cho biết thôn Soi Nga hiện có đến 77 hộ nghèo, chiếm hơn 1/3 số hộ ở địa phương. Những năm qua, họ đã được hưởng các chương trình hỗ trợ nhưng vẫn có tâm lý ỷ lại. Một số gia đình đã được cấp đất sản xuất nhưng không chịu làm ăn mà bỏ đi ăn xin, như gia đình ông Mang Đ. có đủ đất sản xuất nhưng lại cho ba đứa con đi ăn xin, hay như gia đình các ông ĐVT, bà MTK… cũng chỉ trông chờ vào tiền xin được của con cái.
Theo ông Võ Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, hầu hết các thôn, buôn ở xã Xuân Lãnh đều đưa nội dung xử phạt việc đi ăn xin vào hương ước. Chẳng hạn, nếu con đi ăn xin thì bố mẹ phải chịu phạt, vợ đi ăn xin thì chồng phải nộp phạt, ngoài ra già làng có quyền tịch thu toàn bộ số tiền đi ăn xin để sung vào công quỹ… nhưng tình trạng trên vẫn liên tục tái diễn. “Gần đây chúng tôi rất bức xúc khi nghe thông tin có một số đối tượng ở Bình Định đến rủ rê đưa trẻ đi ăn xin tại Quy Nhơn. Chúng tôi đang yêu cầu các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra, có hình thức ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng này” – ông Nam nói.