Những khám phá khoa học mới cho thấy 9 tháng ở trong tử cung người mẹ có ảnh hưởng sâu sắc tới sức khỏe và tinh thần đứa trẻ cho tới tận khi trưởng thành.
Những phát hiện mới này về cơ bản đã làm thay đổi những giả định về các bệnh tật như tim mạch, tiểu đường, ung thư là sự kết hợp của gene và những thói quen xấu khi trưởng thành. Bởi thực tế cho thấy 1/3 nguy cơ bệnh tật của chúng ta xuất hiện từ khi còn ở trong bụng mẹ.
Dinh dưỡng thai kỳ và thói quen ăn uống của trẻ
Những khám phá đáng chú ý trong dự án Viva, trường Y Harvard với 2.670 thai phụ tham gia từ năm 1999, cho thấy: chế độ dinh dưỡng và cân nặng của người mẹ đặc biệt quan trọng. Nó chỉ rõ nguy cơ thừa cân của trẻ sau này, đặc biệt là giai đoạn dậy thì ở trẻ.
So với những thanh thiếu niên là con của các bà mẹ tăng cân vừa phải trong suốt quá trình mang thai, những trẻ cùng tuổi là con của các bà tăng cân quá nhiều trong thời gian này dễ béo phì hơn.
Tại sao lại như vậy? Một trong những khả năng là những lựa chọn thực phẩm không tốt trong quá trình mang thai đã ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ.
Trong 1 thử nghiệm trên chuột được đăng tải trên tạp chí Dinh dưỡng Anh, Stephanie Bayol và các cộng sự ở ĐH Royal – Veterinary (London, Anh), đã phát hiện ra rằng con của những con chuột ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn sẽ ăn nhiều hơn con của những con chuột ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe tới 95%.
Và ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng tốt khi mang thai sẽ giúp “định vị” thói quen ăn uống lành mạnh của trẻ sau này. Bởi các nhà nghiên cứu nhận thấy các thai nhi đã có khả năng phân bệt mùi và vị từ trong bụng mẹ. Đó là khi 7 tháng, các nhú lưỡi phân biệt vị giác đã phát triển đầy đủ và trẻ dễ thích ứng với các vị tương tự khi chúng chào đời.
Năm 2001, một thử nghiệm tại TT Monell Chemical Senses (Philadelphia, Mỹ) cho thấy con của những phụ nữ uống nước cà rốt trong 3 tháng cuối thai kỳ hào hứng với món bột trộn nước cà rốt hơn so với nhóm trẻ là con của các thai phụ uống nước bình thường.
Và đây mới chỉ là khởi đầu. Thực phẩm mà thai phụ ăn còn ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của trẻ.
Nghiên cứu trong dự án Viva cho thấy những trẻ là con của các bà mẹ bổ sung đủ vitamin D trong thời kỳ mang thai thông qua các thực phẩm như gan, các sản phẩm từ sữa và trứng sẽ ít có nguy cơ bị hen suyễn hơn. Hơn thế, 1 chế độ ăn nhiều màu xanh lại giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh ung thư. Ngược lại, tình trạng kém dinh dưỡng trong thai kỳ sẽ gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của trẻ, làm tăng nguy cơ bệnh tật như nhồi máu cơ tim và tiểu đường về sau này.
Cảm xúc của mẹ quyết định hệ thần kinh của con
Thai nhi cũng rất nhạy cảm với các cảm xúc của người mẹ. Các nhà nghiên cứu ĐH Columbia (Mỹ) đã theo dõi nhịp tim của các thai phụ trong khi họ làm test IQ. Kết quả cho thấy nhịp tim của các thai nhi tăng lên khi thai phụ cố gắng vượt qua bài kiểm tra. Ở những phụ nữ bị trầm cảm, lo âu, nhịp tim của thai nhi cũng tăng rõ.
GS Caroline Monk, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Sự khác nhau này cho thấy thai nhi rất nhạy cảm với các căng thẳng. Nó cho thấy hệ thống thần kinh của thai nhi đã được hình thành thông qua trạng thái cảm xúc của người mẹ”.
Để đi đến kết luận cuối cùng, Nghiên cứu của Viện Trẻ em quốc gia Mỹ đang kêu gọi 100.000 thai phụ tham gia vào nghiên cứu kéo dài tới khi con của họ 21 tuổi, với các nội dung liên quan tới thói quen, giai đoạn mang thai, lấy mẫu tóc, máu, nước bọt và nước tiểu, làm các xét nghiệm về nguồn nước và không khí quanh nhà họ. Liệu những yếu tố này có ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Chúng ta hãy cùng chờ xem.