Chúng tôi cất công tham gia một lớp học của chương trình “Trẻ em làm toán siêu tốc” tại quận Đống Đa, Hà Nội theo lời quảng cáo trên một tờ rơi: “Chương trình trẻ em làm toán siêu tốc. Kết thúc khóa học, các em có khả năng tính toán nhanh đáng kinh ngạc, khả năng tốc kí, xóa đi nỗi sợ hãi về toán học ở trường…”.
Học toán siêu tốc
Trong căn phòng khoảng 20m² ở phố Vũ Ngọc Phan, khoảng 20 trẻ em độ tuổi lớp 1 đang chuẩn bị dụng cụ cho một buổi học mang tên “Bàn tính trí tuệ” với thời gian khoảng 2 tiếng.
Phương Nhi năm nay 6 tuổi, mặc dù đã qua lớp mẫu giáo nhưng cháu vẫn còn nhút nhát. Thấy đồng nghiệp có con theo học kĩ năng sống ở trung tâm này biết được nhiều thứ, biết làm tính nhanh hơn nên mẹ Nhi “nghiến răng” đóng tiền cho con đi học. Tuần nào, cháu cũng chỉ mong chờ đến sáng thứ Bảy để lên lớp vì vừa học toán nhưng vẫn được chơi thoải mái. Hành trang Nhi mang đến lớp là bộ SGK dành cho học sinh (HS) tuổi mẫu giáo, vở, bút đỏ, bút chì và đặc biệt là một chiếc bàn tính gỗ.
Mang tên “Trẻ em làm toán siêu tốc” nhưng buổi học chủ yếu dạy cho trẻ cách phản ứng nhanh, dạn dĩ, hòa nhập là chủ yếu. Thông thường, mỗi buổi học, các cháu phải đến trước nửa tiếng để chơi các trò chơi như: thẻ số, tốc kí… Tùy chủ đề học của buổi đó, cô giáo sẽ xếp trò chơi đầu giờ sao cho phù hợp. Giáo viên và HS đều cùng tham gia trò chơi. Khi học phép tính số, giáo viên đọc phép tính. Ngay lập tức, HS gảy bàn tính gỗ để tính và ghi kết quả vào vở. Theo quan sát của chúng tôi, các cháu không được phép nghĩ mà phải cho ra ngay kết quả sau khi gẩy bàn tính.
Cô Vũ Thị Thu Huyền, một trong hai giáo viên phụ trách lớp cho biết, Chương trình “Bàn tính trí tuệ” có nhiều cấp độ. Không riêng Nhi, nhiều HS mạnh dạn hơn khi theo học lớp này. Có HS, mấy hôm đầu còn bắt mẹ ngồi chờ trong lớp học, sau đó thì rất dạn dĩ vui đùa với các bạn.
Ví dụ như trường hợp của Phạm Khôi Nguyên, hồi mới đến lớp cháu còn e thẹn cứ túm lấy gấu áo mẹ. Sau khóa học lớp tính và lớp kĩ năng sống, Nguyên đã vui vẻ, hòa đồng, không còn hay vòi vĩnh mẹ.
Cô giáo đang hướng dẫn Khôi Nguyên học bàn tính số.
Lớp của… con nhà giàu
Những lớp học như trên đây tại Hà Nội hiện nay không hiếm. Muốn mở chương trình “Trẻ em làm toán siêu tốc” như trên, các trung tâm chỉ cần mua bản quyền và cử giáo viên đi đào tạo một thời gian ngắn ở nước ngoài đã có thể giảng dạy để thu lợi nhuận.
Ngoài ra, còn có nhiều lớp học dạy cho trẻ những kĩ năng sống tối thiểu nhưng chưa được giảng dạy trong trường học. Trong khi đó, nhu cầu của các gia đình có điều kiện muốn gửi con đến những lớp này ngày càng cao. Vì thế, nhiều trung tâm mọc ra như nấm, thậm chí còn mở cả lớp học ngay ở trường để đón HS.
Chị Nguyễn Thị Nga (KTT ĐH Giao thông Vận tải) cho biết, nhà có hai đứa con nhưng cháu nào cũng nhát. Nghe chị gái bảo hiện nay có các khóa học kĩ năng, có thể dạy cho trẻ nhiều thứ tưởng chừng đơn giản như: Dạy về sự lắng nghe, cách tự chuẩn bị đồ dùng khi đến trường, tự chuẩn bị bữa sáng, làm gì khi bị lạc đường, cách phòng tránh khi bị va đập mạnh… Thấy hay, chị đóng tiền cho cả hai con học luôn.
Thứ Sáu, cậu anh đi học lớp kỹ năng. Sáng thứ Bảy, chị lại chở cô con gái út đi học lớp toán “siêu tốc”. Một khóa học như trên, chị phải trả 1.350.000 đồng/cháu. Chưa kể khóa học cho lớp mẫu giáo tốn 220.000đ mua sách vở, bút mực, bàn tính (học liệu)… Giá học liệu của khóa học dành cho HS tiểu học là 250.000đ/bộ. Tổng cộng, riêng tiền học các lớp kĩ năng ở ngoài cho hai con, bằng cả hai tháng lương của một công chức mới tốt nghiệp ĐH.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, nhiều bà mẹ cho biết học phí tuy đắt, nhưng khi ở trường, các cháu chỉ được “nhồi” kiến thức đến mụ đầu, thì những lớp thế này giúp con họ trở nên hoàn hảo và giải tỏa những “xì trét” từ việc học ở trường.
Chị Nguyễn Thị Thi (Hàng Chuối, Hà Nội) phấn khởi khoe, dạo này cháu Bình nhà chị biết nhiều thứ lắm rồi. Mới học lớp 3 nhưng cháu đã biết quét nhà, cắm cơm, khi đi chơi còn biết dặn mẹ mang đủ những vật dụng thích hợp cho chuyến đi núi hoặc biển. Khi mẹ định vượt đèn đỏ, cháu can ngay hoặc biết nhắc nhở mẹ rửa tay trước khi ăn… Để cho con theo học lớp này, mỗi tháng chị phải tốn 1, 6 triệu đồng/12 buổi học.
Theo chị Nga, hầu hết cha mẹ đều đưa con đến lớp kĩ năng theo phong trào. Đành rằng bù lấp những cái thiếu cho con là cần thiết nhưng với số tiền trên, không phải gia đình bình thường nào cũng lo nổi. Còn chị Thi cho rằng, hiện nay mỗi trung tâm dạy kĩ năng sống lại có từng giáo trình khác nhau, chưa thống nhất nên khó khăn nếu gia đình chuyển lớp. Cách dạy tính toán để trẻ phát triển nhanh về tư duy thì quá tốt nhưng sẽ khó áp dụng ở trường học vì cách dạy ở đây khác trên lớp. Các trung tâm cũng không nên quảng cáo với những cụm từ “đao to búa lớn” để câu khách, gây hoang mang, hồ nghi cho phụ huynh trước khi đăng kí.