Những cảm xúc xảy đến trong sinh hoạt ban ngày của trẻ như: vui sướng, thất vọng, chán nản, ngờ vực hoặc lo âu sợ hãi thường được tái diễn trong những cơn ác mộng về đêm. Thời điểm của giấc mơ chính là lúc thích hợp để trẻ có thể điều chỉnh những căng thẳng có tính cách gia đình, cố gắng xác định vai trò của bản thân trẻ trong số các anh chị em của nó, đối với cha mẹ.
Cơn ác mộng của trẻ còn diễn tả sự ganh tỵ giữa nó đối với anh chị em trong nhà, cảm giác lo lắng sợ hãi khi phải một mình trơ trọi trong khu vườn rộng lớn hoặc khi buộc phải làm theo mệnh lệnh của thầy cô giáo trong lớp của nó. Các chuyên gia tâm lý trẻ em cho biết, những cơn ác mộng là cần thiết đối với trẻ. Tuy chúng mang lại cho trẻ tâm trạng bất ổn, nhưng qua đó chúng chứng tỏ sự phát triển về mặt cơ cấu tổ chức trong nhận thức của trẻ.
Vào khoảng 9 tháng tuổi, trẻ nhận thức được sự xa cách với mẹ khi mẹ nó phải đi làm việc trở lại hoặc đi xa, điều này dẫn đến việc trẻ cảm thấy lo sợ như bị bỏ rơi. Vì thế, khi những cảm xúc này thường xuyên xuất hiện trong giấc mơ sẽ là điều kiện giúp trẻ hiểu rõ sự việc hơn. Ngoài ra, cũng nhờ quá trình lặp đi lặp lại này mà trẻ có thể học cách tự làm chủ nỗi lo sợ khi xa cách người thân, và tìm cách thoát khỏi cảm giác đáng sợ kia. Để làm được điều này, đòi hỏi trẻ phải biết đối mặt với cơn khủng hoảng để có thể vượt qua nó.
Từ 2 – 4 tuổi, những cơn ác mộng của trẻ thường liên quan đến sự sợ hãi vì bị một con thú hung dữ nào đó tấn công, chẳng hạn như chó sói. Trường hợp này, để giúp trẻ vượt qua nỗi lo sợ, thông qua hoạt động của giấc mơ, bạn cần giúp trẻ thay đổi nhận thức rằng, những con thú nguy hiểm len lỏi vào giấc mơ tuy làm cho trẻ cảm thấy sợ hãi, nhưng hầu như chúng không hề tồn tại trong sinh hoạt ban ngày của trẻ. Những cơn ác mộng sẽ giúp trẻ thoát khỏi những tổn thương về mặt tinh thần đó.