Mặc dù đã được khuyến cáo về những hậu quả do tình trạng thiếu hụt i-ốt gây ra cho cơ thể như mắc bệnh bướu cổ, đần độn, giảm khả năng lao động, sảy thai hoặc thai chết lưu… nhưng thực tế hiện nay cho thấy việc sử dụng muối có i-ốt đang có chiều hướng giảm và xu hướng thiếu hụt i-ốt có nguy cơ quay trở lại.
Theo kết quả điều tra cấp quốc gia thời gian gần đây, số người dùng bột canh ở Hà Nội là 94,6%, cao nhất cả nước, nhưng chỉ có 11% mẫu muối i-ốt của các hộ gia đình và 22 % mẫu muối tại cơ sở sản xuất đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Như vậy chất lượng muối i-ốt không đảm bảo là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt i-ốt có xu hướng quay trở lại. Thông tin trên được đưa ra tại lễ mít-tinh hưởng ứng ngày “Toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt” do Bộ Y tế tổ chức sáng 2-11 tại thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Trong khi đó, xu hướng dùng nước mắm và hạt nêm thay muối và bột canh đang góp phần làm cho nguy cơ thiếu hụt i-ốt diễn ra tại nhiều gia đình. TS. Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Chúng tôi đã đề nghị Bộ Y tế có khuyến cáo trong hệ thống công nghiệp thực phẩm cố gắng đưa chất vi lượng i-ốt vào các sản phẩm sử dụng hàng ngày ví dụ như nước mắm và đang có đề tài nghiên cứu. Tuy vậy, việc đưa i-ốt vào nước mắm cũng có những hạn chế vì nó làm thay đổi đặc tính của sản phẩm. Việc này cần có thời gian và sự phối hợp giữa nhiều ngành.
Để đạt mục tiêu phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt một cách bền vững, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng đủ i-ốt, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát chất lượng tại các cơ sở sản xuất muối i-ốt; theo dõi chặt chẽ tỷ lệ trẻ em bị bướu cổ và mở rộng dịch vụ xét nghiệm lượng i-ốt bài tiết qua nước tiểu để xác định cơ thể thiếu hay thừa i-ốt.